Charles Spencer Chaplin (16 tháng 4 năm 1889 – 25 tháng 12 năm 1977), thường được biết đến với tên Charlie Chaplin (hay Vua hề Sác-lô) là một diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh trở nên nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm. Chaplin trở thành một hình tượng toàn cầu thông qua nhân vật Tramp (Gã lang thang), thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh. Sự nghiệp của ông kéo dài trên 75 năm, từ tuổi thơ trong kỷ nguyên Victoria cho đến một năm trước khi qua đời ở tuổi 88, đem lại nhiều lời tán dương cũng như tranh cãi.
Tuổi thơ của Chaplin ở London cực kỳ khổ cực và nghèo đói. Cha bỏ mặc gia đình, để mẹ ông chật vật kiếm tiền, ông đã hai lần bị gửi vào trại tế bần trước khi lên 9. Năm Chaplin 14 tuổi mẹ ông phải vào trại tâm thần. Chaplin bắt đầu trình diễn khi còn nhỏ tuổi, lưu diễn ở các rạp hát và sau đó trở thành một diễn viên sân khấu, một nghệ sĩ hài. Ở tuổi 19 ông gia nhập công ty danh tiếng Fred Karno, và có chuyến đi đầu tiên tới Hoa Kỳ, nơi phát triển sự nghiệp của ông.
Chaplin bắt đầu tham gia đóng phim, và trình làng với phim Making a Living (1914) của Keystone Studios. Chaplin sớm hình thành nhân vật Tramp và tạo nên một lượng người hâm mộ lớn. Ông trở thành đạo diễn cho các bộ phim mình đóng, và ngày càng thành thục trong vai trò này khi chuyển tới các tập đoàn Essanay, Mutual, và First National. Tới năm 1918, Chaplin đã trở thành một trong những nhân vật nổi danh nhất trên thế giới.
Năm 1919, Chaplin đồng sáng lập công ty United Artists để kiểm soát hoàn toàn quy trình sản xuất phim của riêng mình. Phim thời lượng dài đầu tiên của ông là The Kid (1921), rồi đến A Woman of Paris (1923), The Gold Rush (1925), and The Circus (1928). Ông từ chối chuyển sang làm phim có tiếng vào những năm 1930, thay vào đó tiếp tục sản xuất các phim câm City Lights (1931) và Modern Times (1936). Ông trở nên ngày càng quan tâm tới chính trị và phim tiếp đó của ông The Great Dictator (1940), nhắm vào đả kích Adolf Hitler.
Những năm 1940 là một thập niên đầy những tranh cãi đối với Chaplin, và danh tiếng của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Ông bị cáo buộc là có cảm tình với cộng sản, trong khi những vấn đề xoay quanh hôn nhân với những phụ nữ ít tuổi hơn nhiều và nghĩa vụ làm cha của những đứa con với những phụ nữ này gây ra một loạt vụ bê bối. FBI mở một cuộc điều tra, và Chaplin buộc phải rời Hoa Kỳ để tới Thụy Sĩ định cư. Ông từ bỏ nhân vật Tramp trong các phim về sau, bao gồm Monsieur Verdoux (1947), Limelight (1952), A King in New York (1957), và A Countess from Hong Kong (1967).
Chaplin đã viết, đạo diễn, sản xuất, biên tập, diễn xuất và sáng tác nhạc cho hầu hết các phim ông tham gia. Ông là người cầu toàn, và sự độc lập tài chính cho phép ông dành nhiều năm để phát triển và sản xuất một bộ phim. Những bộ phim của ông thường đặc trưng bởi tính pha trò kết hợp với tính cảm động, thể hiện trong cuộc đấu tranh của Tramp chống lại sự thù địch bên ngoài. Nhiều phim chứa những chủ đề chính trị và xã hội, cũng như những yếu tố tự truyện. Năm 1972, như một phần của sự tái công nhận giá trị sự nghiệp của ông, Chaplin nhận giải Oscar danh dự cho "tác động không thể đo đếm được của ông trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỷ này". Ông tiếp tục được đánh giá cao tới tận ngày nay, với những tác phẩm như The Gold Rush, City Lights, Modern Times, và The Great Dictator được xếp vào danh sách những bộ phim xuất sắc nhất của mọi thời đại.
Tuổi trẻ (1889-1913)
Tuổi thơ nghèo khó
Charles Spencer Chaplin sinh ngày 16 tháng 4 năm 1889. Ông là đứa con duy nhất của cặp vợ chồng ca sĩ Charles Chaplin (bố) và Hannah Hill. Không có giấy tờ khai sinh nhưng Chaplin tin rằng mình sinh ra ở Phố Đông, Walworth, thuộc Nam London. Cha mẹ ông cưới nhau 4 năm trước đó, và Hannah từ trước đã có một đứa con ngoài giá thú tên là Sydney. Vào lúc Chaplin ra đời, cha mẹ họ đều là những nghệ sĩ rạp hát. Hannah, con gái một người làm giày, đã có một sự nghiệp ngắn ngủi và ít thành công dưới nghệ danh Lily Harley, trong khi Charles (cha), vốn là con trai một người hàng thịt, là một ca sĩ nổi danh. Hai người ly thân từ khoảng năm 1891. Năm 1892, Hannah có một đứa con thứ ba – George Wheeler Dryden – với nghệ sĩ rạp hát Leo Dryden. Đứa trẻ được Dryden đem về nuôi khi mới 6 tháng tuổi và chỉ tiếp xúc với Chaplin 30 năm sau đó.
Tuổi thơ Chaplin chất chứa khó khăn và nghèo đói, làm cho đường công danh về sau của ông trở thành "câu chuyện từ nghèo đói tới giàu sang kịch tính nhất từng biết tới", theo người viết tiểu sử David Robinson. Những năm đầu đời, Chaplin sống với mẹ và anh trai Sydney ở quận Kennington của London. Hannah không có kế sinh nhai nào ngoài việc chăm sóc trẻ em và may áo, còn Chaplin (cha) thì không chu cấp gì cho con trai. Khi hoàn cảnh khốn khó quá, Chaplin, lúc đó lên 7 tuổi, bị gửi vào một trại tế bần. Hội đồng đưa cậu vào Trường quận Trung tâm London dành cho những người bần cùng, thời gian mà Chaplin nhắc lại như "một sự tồn tại trơ trọi". Cậu được đoàn tụ với mẹ 18 tháng sau, trước khi Hannah phải đưa cả nhà vào lại trại tế bần tháng 7 năm 1898. Hai đứa trẻ được gửi tới trường Norwood, một cơ sở dành cho trẻ em bần cùng khác.
Tháng 9 năm 1898, mẹ Chaplin phải vào trại tâm thần Cane Hill-bà đã trở nên loạn trí có lẽ là do nhiễm bệnh giang mai và kém dinh dưỡng. Trong hai tháng Hannah ở đó, Chaplin và anh trai Sydney đến sống với người cha mà trước đó họ ít khi biết tới. Charles (cha) khi đó đã trở thành một người nghiên rượu nặng, và đã đối xử bạo ngược với hai đứa con đến nỗi đại diện Hiệp hội Chống Ngược đãi Trẻ em Quốc gia phải tới làm việc. Cha Chaplin chết 2 năm sau đó ở tuổi 38 do bệnh xơ gan.
Bệnh của Hannah sau đó thuyên giảm ít nhiều, nhưng tới tháng 5 năm 1903 lại tái phát. Chaplin, khi đó 14 tuổi, phải đưa mẹ tới bệnh viện, sau đó bà lại bị bệnh viện trả về Cane Hill. Cậu sống một mình trong vài ngày, buộc phải đi tìm thức ăn và thỉnh thoảng ngủ ngoài đường, cho tới khi Sydney - đã đăng lính vào Hải quân hai năm trước đó - trở về. Hannah được đưa ra khỏi trại tâm thần 8 tháng sau đó, nhưng tới tháng 3 năm 1905 bà phát bệnh trở lại, lần này vĩnh viễn. Chaplin sau này kể lại: "Chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận số phận của người mẹ bất hạnh". Hannah sống trong trạng thái cần người thường trực trông nom cho tới khi qua đời vào năm 1928.
Nghệ sĩ trẻ tuổi
Giữa khoảng thời gian ở trong trường dành cho trẻ bần cùng và chăm sóc mẹ lâm bệnh thần kinh, Chaplin bắt đầu biểu diễn. Theo ông nhớ thì lần đầu tiên xuất hiện nghiệp dư là năm 5 tuổi, khi Chaplin thay thế mẹ mình một đêm diễn ở Aldershot. Đó chỉ là một sự kiện riêng lẻ và đột xuất, nhưng tới khi lên 9, nhờ vào sự cổ vũ của người mẹ, Chaplin ngày càng hứng thú với việc trình diễn. Về sau ông viết lại: " đã truyền cho tôi cảm giác rằng tôi có tài năng nào đó". Nhờ những quan hệ của người cha, Chaplin được nhận vào một đoàn clog-dancing (nhảy đeo guốc đập nhịp) có tên The Eight Lancashire Lads ("Tám anh chàng xứ Lancashire"), theo đoàn đi biểu diễn ở các rạp hát nước Anh trong suốt những năm 1899 và 1900. Chaplin làm việc chăm chỉ, và tiết mục này khá ăn khách vào lúc đó, nhưng cậu không thỏa mãn với nhóm nhảy và ước muốn sản xuất một tiết mục hài kịch.
Trong mấy năm lưu diễn với đoàn, mẹ Chaplin bảo đảm cho cậu vẫn có thể tới lớp, nhưng ở tuổi 13 cậu đã bỏ học. Chaplin tự kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong khi vẫn ấp ủ tham vọng trở thành diễn viên. Năm lên 14, ít lâu sau khi mẹ tái phát bệnh, cậu đăng kí vào một hãng sân khấu ở West End của London. Người quản lý nhận thấy triển vọng ở Chaplin, và lập tức cho cậu vai diễn đầu tiên, một đứa trẻ bán báo trong vở Jim, a Romance of Cockayne của H. A. Saintsbury. Vở kịch khai diễn vào tháng 7 năm 1903, nhưng không thành công và phải ngừng diễn sau hai tuần; tuy nhiên nhiều bài phê bình đã ghi nhận vai của Chaplin là vai diễn hài hước duy nhất trong toàn bộ vở kịch. Saintsbury giúp cho Chaplin được tham gia vào vở Sherlock Holmes do Charles Frohman dàn dựng, trong đó cậu sắm vai cậu bé hầu phòng Billy trong ba chuyến lưu diễn toàn quốc. Vai của cậu được đón nhận nồng nhiệt tới mức cậu được đưa về London để diễn vai này cùng với William Gillette, đồng tác giả và là diễn viên đầu tiên thủ vai Holmes. Chaplin về sau nhắc lại: "Chuyện diễn ra như thể ở thiên đường vậy". Vào lúc 16 tuổi, Chaplin đã sắm vai trong vở kịch do West End dàn dựng ở Nhà hát Công tước York từ tháng 10 tới tháng 12 năm 1905. Cậu hoàn thành chuyến lưu diễn cuối cùng cho vở Sherlock Holmes vào đầu năm 1906, trước khi rời vở diễn hơn hai năm rưỡi.
Hài kịch
Chaplin sớm tìm thấy việc làm trong một công ty mới, và tiếp tục lưu diễn cùng anh trai - Sydney bấy giờ cũng theo đuổi sự nghiệp diễn xuất - trong một vở kịch vui ngắn mang tên Repairs. Tháng 5 năm 1906, Chaplin tham gia tiết mục dành cho giới trẻ Casey's Circus, mà anh phát triển các tiểu đoạn khôi hài ăn khách và sớm trở thành ngôi sao của buổi diễn. Vào thời điểm tiết mục hoàn thành lưu diễn tháng 7 năm 1907, chàng trai 18 tuổi đã trở thành một nghệ sĩ hài thực thụ. Tuy vậy anh vẫn nỗ lực tìm thêm công việc, và có thử một tiết mục solo nhưng thất bại.
Trong khi đó, Sydney Chaplin gia nhập công ty hài kịch danh tiếng Fred Karno năm 1906, và tới năm 1908 đã trở thành một diễn viên trụ cột của công ty.Tháng 2 năm đó, Sydney xin được một kỳ diễn thử hai tuần cho em trai. Karno ban đầu lo lắng, xem Chaplin là "một anh chàng nhợt nhạt, yếu ớt, có vẻ ủ rũ", "trông quá nhút nhát để làm được điều gì tử tế trong rạp hát." Nhưng Chaplin đã để lại ấn tượng ngay trong đêm đầu tiên tại nhà hát London Coliseum và nhanh chóng nhận được hợp đồng làm việc. Chaplin bắt đầu bằng việc đóng một loạt vai nhỏ, dần tiến tới những vai chính trong năm 1909. Tháng 4 năm 1910, anh nhận đảm đương đoản kịch mới, Jimmy the Fearless ("Jimmy Can đảm"). Thành công vang dội của nó khiến báo chí tập trung chú ý đáng kể vào Chaplin.
Karno chọn ngôi sao mới trẻ tuổi Chaplin tham gia vào một bộ phận của hát lưu diễn tại hệ thống rạp kịch vui của Bắc Mỹ. Chaplin dẫn dắt vở diễn và gây ấn tượng cho những nhà phê bình, họ mô tả anh như "một trong những nghệ sĩ kịch câm vĩ đại nhất từng thấy ở đây". Vai thành công nhất của anh là một gã say rượu gọi là "Inebriate Swell" ("Swell Nát rượu") được nhiều người ghi nhận. Chuyến lưu diễn kéo dài 21 tháng, và nhóm diễn trở lại Anh tháng 6 năm 1912. Chaplin sau này kể lại rằng anh "có một cảm giác bất an, cảm tưởng như mình chìm vào sự tầm thường về trí tuệ", và do đó anh đã rất mừng rỡ khi một chuyến lưu diễn mới bắt đầu vào tháng 10.
Source: Wikipedia |
|