Nghệ sĩ Thế Anh sinh ra tại một làng quê bình dị thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong một gia đình khá giả, mẹ là một tiểu thương, cha ông là người học hành đỗ đạt xuất sắc. Năm ông 3 tuổi, cha ông đỗ học bổng sang Pháp học bác sĩ. Mẹ ông phải một mình nuôi dạy hai anh em ông (người anh trai thứ hai qua đời sớm). Sau này, qua ông Xuân Thuỷ ông đã liên lạc được với người cha của mình. Tuy nhiên cho đến khi cha ông mất, hai cha con vẫn không gặp mặt nhau.
Thời học sinh, Thế Anh học tại trường Lycée Albert Sarraut, trường tư thục Khai Thành, Minh Tân, Hoàng Hữu Nam. Và Thế Anh rất giỏi môn Toán học, chứ chưa hề biểu hiện một khả năng nào về nghệt thuật diễn xuất. Do buột miệng chê cậu học sinh thủ vai chính trong vở kịch văn nghệ trường Chàng lười lao động, Thế Anh đã bị phạt bằng cách… vào diễn thế! Và bất ngờ, vở kịch đã dành Huy chương vàng trong cuộc thi năm đó.
Tốt nghiệp cấp ba, sau hai năm công tác tại Trường trung cao quân sự trong màu áo lính, Thế Anh trúng tuyển vào khoa Toán của trường Đại học sư phạm. Năm 1961, mới nhập học được ba bốn tháng, Thế Anh ghi tên thi tuyển diễn viên của Trường nghệ thuật sân khấu. Và anh chàng đẹp trai, cao to và có máu nghệ sĩ này đã trúng tuyển trong ba mươi sinh viên được bước vào cánh cửa trường Đại học từ 600 lá đơn xin dự tuyển.
Bạn cùng khoá với Thế Anh có Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú… Tốt nghiệp loại ưu khoá diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên vào năm 1964 với nhân vật sĩ quan Mỹ bị vây trong lô cốt địch ở vở kịch Đêm Đen (trong bộ ba vở kịch ngắn Nửa Đất Nước Trong Đêm của tác giả Ngô Y Linh), Thế Anh về đầu quân cho đoàn kịch nói Trung ương.
Thế Anh nhanh chóng được biết đến ở cả hai loại hình sân khấu và điện ảnh. Nét phong lưu nhưng có chiều sâu, Thế Anh hoá thân trong nhiều nhân vật, từ sĩ quan Mỹ ngụy đến những vị tướng tá cấp cao trong quân đội nhân dân Việt Nam, từ kỹ sư, nhà giáo, bác sĩ đến anh thủy thủ, từ vị pháp quan đến chú bé con… Khán giả yêu mến anh qua những vai diễn trên sân khấu như tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - Cô Bé Đánh Trống Trận, bác sĩ Hải tài hoa trong Đôi Mắt, chàng thủy thủ Rubacop trong Chuông Đồng Hồ Điện Kremli, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa Anh Túc, Khúc Thứ Ba Bi Tráng, Vụ Án Eroxtrat, Đại Đội Trưởng Của Tôi, Othello, Bài Ca Điện Biên, Người Cha Thô Bạo, Hòn Đảo Thần Vệ Nữ…
Năm 1964, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy và đạo diễn Huy Thành đang tìm diễn viên để vào một vai diễn khó và rất mới đối với phim của ta thời bấy giờ trong bộ phim Nổi Gió. Và người thứ 13 thử vai, Thế Anh, sau khi hóa trang vào vai diễn thử, mọi người tại trường quay đã ồ lên: ”Trung úy Phương đây rồi!". Năm 1970, bộ phim Nổi Gió đã đoạt được giải Bông sen vàng trong Liên hoan phim Việt Nam.
Thế Anh làm quen với khán giả Sài Gòn qua bộ phim Mối Tình Đầu trong vai chàng sinh viên Ba Duy khi đã bước qua tuổi 40. Thế nhưng, anh đã thuyết phục khán giả tin rằng, mình là một chàng sinh viên mới hai mươi tuổi, yếu đuối, bạc nhược, không đủ sức giành lại người yêu trong tay kẻ đàn ông ngoại kiều. Bộ phim này đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế và mang lại cho Thế Anh trong vai Ba Duy giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V vào năm 1980.
Sau hai bộ phim thành công Nổi Gió và Mối Tình Đầu, Thế Anh còn xuất hiện trong các vai chính của những bộ phim thành công khác như Đường Về Quê Mẹ, Không Nơi Ẩn Nấp, Ngày Lễ Thánh, Tự Thú Trước Bình Minh, Hồi Chuông Màu Da Cam, Vụ Án Hồ Con Rùa, Ngoại Ô, Người Trong Cuộc, Vĩnh Biệt Chân Trời Cũ, Gánh Xiếc Rong, Tình Xa, Đêm Hội Long Trì, Kiếp Phù Du…
Thế Anh khác với các diễn viên khác ở điểm, anh có thể biến hóa thành nhiều dạng nhân vật, tâm lý nhân vật chuyển biến đáng khâm phục. Vai chính diện, phản diện, già, trẻ, đáng ghét, đáng yêu… đều được Thế Anh diễn như thả hồn vào nhân vật, diễn như không diễn. Sự thành công đó có được là do sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và hết mình của anh. Lối diễn của Thế Anh rất chủ động, tự tin, các thủ pháp xử lý hình thể và điều khiển nét mặt đều được anh vận dụng triệt để. Thế Anh được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Năm 1975, Thế Anh chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2000, Thế Anh xuất hiện trong bộ phim truyền hình nhiều tập của hãng tuyền hình TP. HCM Giao Thời bên cạnh diễn viên người mẫu Hiền Mai (38 tập). Thế Anh với một gia đình êm ấm ở căn nhà số 3, Trần Minh Quyền, Q.10, TP. HCM. Hai đứa con cũng được đặt bằng tên hai vai diễn gắn với tên tuổi của người cha: Phương, Nguyễn Thế Phương và Duy!
Trung úy Phương đã định hình một Thế Anh diễn viên, còn là một sĩ quan ngụy có học, nhưng lại là người luôn bị những giằng xé nội tâm dằn vặt, có ý thức dân tộc nhưng lại khá mơ hồ vì đã bị “nhồi sọ” khá lâu, giờ lại trực tiếp cầm sung bắn vào chính đồng bào mình, trong đó có cả chị ruột - một cán bộ cách mạng trung kiên và chàng trung úy trẻ đã chùn tay, dao động… trong bộ phim Nổi Gió.
Và vai diễn ấn tượng, chàng sinh viên Ba Duy trong Mối Tình Đầu của đạo diễn Hải Ninh. Sự bạc nhược, yếu đuối, đớn hèn, không đủ sức giành lại được người yêu trong tay gã đàn ông Việt kiều… được Thế Anh diễn xuất một cách thuyết phục. Ba Duy, một dân ghiền xì ke thứ thiệt, cảnh tiêm chích ma túy là cảnh khó đối với Thế Anh. Nên anh đã lăn lộn cùng dân bụi đời, ngoài đường phố cũng như trong trại cải tạo, lân la ở đường Hàm Nghi nơi những con nghiện tụ tập tiêm chích ma túy… Thế Anh từng phải hút thuốc phiện khi đóng trong bộ phim Lưu Lạc và Trở Về Sam Sao nên không bị sốc và bỡ ngỡ khi đóng trong phim Mối Tình Đầu. Một Ba Duy hai mươi tuổi, thế mà khi ở độ tuổi quá 40, Thế Anh vẫn diễn xuất một cách ấn tượng.
Hiện tại, nghệ sĩ Thế Anh cùng gia đình đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Vợ ông là Thu Hằng, cũng là một diễn viên. Ông đã đặt tên cho hai người con trai là Thế Phương và Thế Duy để kỉ niệm hai vai diễn thành công nhất của mình.
Source: vnexpress |
|