Trần Quang vốn là một diễn viên kịch nói rồi chuyển sang đóng phim và đã từng nổi tiếng cả trước và sau 1975. Năm 1982, ông xuất cảnh sang Mỹ. Trong chuyến về thăm quê hương sau hơn 20 năm xa cách, sáng 23/3 ông có đến thăm tòa soạn Báo Thanh Niên và chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.
- Ông có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?
- Tôi sinh năm 1942 tại Vientiane (Lào) nhưng hồi nhỏ sống ở Thái Lan. Năm tôi 13 tuổi, gia đình mới chuyển về Sài Gòn. Tôi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1960-1963). Bắt đầu đóng phim vào năm 1968 và đoạt giải "Nam diễn viên xuất sắc và được ưa chuộng nhất" qua vai Hoàng Ghi-ta trong Vết thù trên lưng ngựa hoang (đạo diễn Lê Hoàng Hoa, 1971). Sau ngày đất nước thống nhất, tôi có vai ký giả Long trong Cô Nhíp (đạo diễn Khương Mễ, 1975), vai tướng cướp Lê Vân (Tội lỗi cuối cùng, đạo diễn Trần Phương, 1979), vai trung úy Bình trong Con thú tật nguyền (đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh, 1980). Bộ phim cuối cùng tôi đóng khi còn ở Việt Nam là Vết thù năm tháng do tôi và Phạm Thùy Nhân viết kịch bản, đạo diễn Lê Mộng Hoàng (1982).
- Vậy, ông đã học hỏi được những gì và làm gì trong thời gian ở Mỹ?
- Tôi đã theo học khóa tu nghiệp đạo diễn cũng như học về sản xuất phim ở Hollywood Film Institute. Tốt nghiệp xong tôi... đi làm MC rồi diễn kịch. Thực ra tôi cũng đã có ý định thực hiện một bộ phim, nhưng rồi khó khăn về kinh phí lẫn nhân sự (ở Mỹ rất khó tập trung các diễn viên gốc Việt) và nhất là thị trường tiêu thụ (cộng đồng người Việt ở Mỹ) quá nhỏ. Một nghịch lý nữa là càng học hỏi, càng hiểu biết lại... càng ngại làm phim bởi tôi hiểu rằng để làm một bộ phim hay thì cần rất nhiều yếu tố trong khi hoàn cảnh chưa cho phép.
- Về nước lần này, hẳn ông có nhiều dự tính?
- Trước khi qua Mỹ, tôi ôm hoài bão là sẽ học thêm một chút ít gì đó về điện ảnh để khi trở về có thể hợp tác thật tốt với giới điện ảnh ở quê nhà. Tôi nhận thấy anh chị em làm điện ảnh trong nước rất tâm huyết, rất tài năng nhưng có lẽ do hoàn cảnh nên tài năng chưa được phát huy đúng mức, các hãng phim còn sử dụng nhiều trang thiết bị cũ kỹ, thô sơ. Vậy mà năm nào Việt Nam cũng có những phim tham dự các liên hoan phim quốc tế, thật đáng khâm phục! Tôi nghĩ, Việt Nam nên gửi những chuyên viên điện ảnh ra nước ngoài học hỏi, đồng thời nhập về các trang thiết bị tối tân nhằm "kỹ nghệ hóa" nền điện ảnh trong nước. Cũng cần có những chế độ, chính sách để điện ảnh có một thế đứng hẳn hoi, sao cho anh chị em điện ảnh có thể sống được bằng chính nghề nghiệp của mình.
- Nếu có một đối tác trong nước muốn hợp tác làm phim với ông sẽ chọn mảng đề tài nào?
- Tôi sẽ đề cao những cái tốt, cái đẹp, cái hay, bởi trong xã hội cái tốt đẹp luôn tiềm ẩn và sẽ tỏa sáng khi có cơ hội. Tôi từng chứng kiến hình ảnh một em bé đánh giày đọc báo hoặc các em học sinh đem tập vở ướt ra phơi trong đợt lũ lụt - điều đó tỏ rõ ý chí vươn lên trong khó khăn, nghèo khổ, cũng chính là dân tộc tính! Tôi cũng tâm đắc đề tài "Hào khí Việt Nam", tôi tự hào mình được là người Việt Nam, tự hào về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là một kho đề tài vô tận để chúng ta khai thác!
Source: vietbao |
|