Ngày Đăng: 23 Tháng 02 Năm 2018 Trên nền câu chuyện siêu anh hùng hư cấu, tác phẩm mới của Marvel khơi gợi những vấn đề có thật của người da màu.
Ra mắt ngày 16/2, Black Panther được ví như hiện tượng văn hóa, "càn quét" phòng vé suốt thời gian qua. Sau năm ngày, phim thu về con số khổng lồ 263 triệu USD ở Mỹ, chỉ kém Star Wars: The Force Awakens (thu 325 triệu USD trong cùng khoảng thời gian). Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người Mỹ gốc Phi đến rạp trong các bộ trang phục lấy cảm hứng từ phim, cùng các thông điệp chia sẻ niềm hạnh phúc khi xem tác phẩm.
Dàn diễn viên của Black Panther gồm toàn người da màu, chỉ có hai người da trắng thủ vai phụ. Đạo diễn, biên kịch, nhà quay phim, thiết kế trang phục cũng là người da màu. Tác phẩm là phim thứ 18 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, xoay quanh nhân vật T'Challa (Chadwick Boseman đóng). Sau cái chết của vua cha trong Captain America: Civil War, anh trở về Wakanda nối ngôi. Ngoài công việc cai trị, T'Challa còn là một chiến binh với biệt danh Black Panther (Báo Đen). Anh có siêu sức mạnh nhờ một loại thảo dược kỳ bí, đồng thời tận dụng nhiều công nghệ hiện đại. Tân vương phải đối mặt với không ít hiểm họa, trong đó nguy hiểm nhất là kẻ thù bí ẩn N'Jadaka, tức Killmonger (Michael B. Jordan đón).
Kịch bản bám sát mô-típ phim siêu anh hùng truyền thống với yếu tố siêu năng lực và các trận chiến. Tuy nhiên, mạch ngầm của tác phẩm - bàn về các vấn đề xã hội và sắc tộc - lại đáng nói hơn. Wakanda - quốc gia giả tưởng ở châu Phi - giống một thiên đường của người da màu. Đất nước chưa từng bị người da trắng tàn phá, phát triển công nghệ tột bậc nhờ sở hữu trữ lượng lớn vibranium - kim loại mạnh nhất Trái đất. Bên cạnh đó, Wakanda vẫn giữ được truyền thống với nhiều nghi thức cổ xưa. Cú máy giới thiệu quê hương của Black Panther - bắt đầu với đàn gia súc chạy trên đồng cỏ, nối tiếp bằng cảnh thành phố hiện đại có những tòa nhà chọc trời - phô diễn sự hòa trộn giữa thiên nhiên châu Phi và công nghệ hiện đại.
Con người của Wakanda được mô tả như những cá nhân tròn trịa về đạo đức, không có tật xấu của một số người da màu ở Mỹ như nghiện hút, bạo lực... Dù vẫn giữ một số nghi thức liên quan đến sức mạnh và thách đấu, nhìn chung, họ ôn hòa, thông minh, chín chắn và xây dựng xã hội có tổ chức cao. Đỉnh cao của dân tộc là Black Panther - siêu anh hùng nghĩa hiệp, uy quyền, giàu lòng kiêu hãnh, đồng thời có trái tim nhân hậu. Qua lối mô tả Wakanda theo phong cách Afrofuturism (một trường phái triết học, nghệ thuật kết hợp công nghệ hiện đại với những giá trị truyền thống của người châu Phi), tác phẩm ca ngợi lòng kiêu hãnh của người da màu.
| Một cảnh chiến đấu trong phim. |
Black Panther đảo ngược tương quan trong nhiều phim Hollywood. Người da màu ở Wakanda có công nghệ vượt bậc, còn người da trắng - qua hình ảnh đặc vụ CIA Everett Ross (Martin Freeman đóng) - trở thành "chiếu dưới", chỉ biết sững sờ trước sự phát triển của nơi họ vốn xem thường. Ngoài đời thực, nhiều quốc gia châu Phi phải nhận viện trợ từ phương Tây, nhưng trong phim, Wakanda lại là quốc gia có khả năng hỗ trợ cho phần còn lại của thế giới.
Thù hận trong quá khứ và hiện tại giữa người da trắng - da màu được cài cắm xuyên suốt, vừa hỗ trợ cốt truyện vừa tô đậm yếu tố lịch sử. Ngay đầu phim, một người Wakanda xúc động nhắc đến các "anh chị em" da màu đang bị áp bức trên toàn thế giới. Một người khác thản nhiên xem bạo lực là cách đáp trả xứng đáng cho việc người da trắng từng cướp đoạt tài sản ở châu Phi. Thảm cảnh nhiều người da màu nhảy xuống biển từ những chuyến tàu chở nô lệ từ châu Phi đến Mỹ cũng được nhắc đến khéo léo.
Sự tồn tại một quốc gia tiên tiến trong Black Panther tạo tiền đề cho việc đẩy câu chuyện đi xa khỏi mô-típ đối kháng sắc tộc thông thường. Xung đột trong phim không còn chỉ giữa người da trắng và da màu, mà ở sự lựa chọn giải pháp kết thúc việc đó. Động cơ của ác nhân không chỉ có báo thù cá nhân, mà bắt rễ sâu xa từ quan điểm thực thi công lý.
| Killmonger không chỉ muốn cướp ngôi mà còn thách thức cả quan điểm cai trị của Black Panther. |
Killmonger - một đứa trẻ bị bỏ rơi ở Mỹ - chọn bạo lực, muốn chiếm ngôi báu để dùng công nghệ Wakanda vũ trang cho người da màu, gột bỏ bất công. Hắn không ngừng chế giễu thái độ thụ động của Black Panther - người ở đầu phim vẫn muốn tiếp tục truyền thống là che giấu sự thịnh vượng của Wakanda, không can thiệp vào các vấn đề thế giới. Killmonger không phải kiểu vĩ cuồng muốn bá chủ thế giới, mà tự xem mình như một kẻ đi "giải phóng" người cùng sắc tộc. Nhà vua cự tuyệt ý tưởng cực đoan của đối thủ, nhưng chính anh ngày càng băn khoăn với sự bàng quan của mình.
Sự hiện diện kẻ phản diện có lý lẽ và cơ sở lập luận tạo thêm chiều sâu cho mô-típ thiện - ác đối đầu quen thuộc. Để phục vụ không khí tổng thể, đạo diễn Ryan Coogler mạnh dạn tiết chế chất hài hước vốn là thương hiệu của Marvel. Phần thoại khá nghiêm nghị khoác cho Black Panther vẻ ngoài khác biệt so với các phim Marvel gần đây như Guardian of the Galaxy Vol.2 hay Thor: Ragnarok.
Về diễn xuất, Michael B. Jordan nổi bật hơn nam chính Chadwick Boseman. Với kiểu đầu dreadlock (giống những sợi dây thừng), cơ thể săn chắc và đầy sẹo, Jordan gây ấn tượng bởi vẻ nổi loạn khi nhập vai Killmonger. Tài tử sinh năm 1987 mang đến phong cách giàu năng lượng giống trong phim thể thao Creed đình đám của anh (cũng do Ryan Coogler đạo diễn). Trong khi đó, nam chính Boseman có phần "tĩnh" hơn, ít có các trích đoạn bộc lộ cảm xúc.
| Dự án quy tụ dàn diễn viên da màu tài năng. |
Phụ nữ Wakanda trong phim mạnh mẽ, giàu cá tính, được khắc họa với thời lượng chia khá đều cho ba nhân vật Shuri (em gái Black Panther, Letitia Wright đóng), Nakia (bạn gái Black Panther, Lupita Nyong'o đóng) và Okoye (nữ tướng Wakanda, Danai Gurira đóng). Phụ trách công nghệ hiện đại cho anh mình, Shuri giống một phiên bản láu lỉnh hơn của nhân vật Q (chuyên gia vũ khí của James Bond). Nakia là mẫu phụ nữ thông minh, vừa dịu dàng vừa quả quyết, còn Okoye thể hiện sự cứng rắn của chiến binh.
Chất liệu châu Phi được truyền tải qua phần âm nhạc cũng như trang phục. Trên trang Bleeding Cool, nhà soạn nhạc Ludwig Göransson cho biết đã đến Senegal và Nam Phi để nghiên cứu âm nhạc bản địa, trước khi chọn tiếng trống làm điểm nhấn cho tác phẩm. Âm thanh này hỗ trợ cho các trích đoạn thể hiện truyền thống bộ lạc, còn nhạc hip hop/rap của người Mỹ gốc Phi được sử dụng xuyên suốt.
Đảm nhận phần phục trang, Ruth Carter chia sẻ trên NPR rằng muốn thể hiện hình ảnh giả tưởng của một nước châu Phi chưa từng bị thuộc địa hóa. Lối ăn vận trong phim phài vừa dựa trên truyền thống, vừa lột tả sự tiên tiến của người Wakanda. Carter cùng nhóm của mình khảo sát quần áo của các bộ tộc ở Kenya, Nam Phi, Namibia cách đây vài thế kỷ, sau đó thêm thắt một số cách tân. Đại cảnh thách đấu giành ngôi trong phim giống như "đại tiệc" của phục trang với cả trăm nhân vật ăn vận đồ nghi lễ bắt mắt.
| Phần hành động trong phim chưa thật "đã mắt". |
Trong khi đó, nhân vật Shuri - em gái Black Panther - diện quần áo khác biệt, gần với các phim khoa học viễn tưởng bởi cô vốn là nhà khoa học phá cách. Còn bộ đồ siêu anh hùng của Black Panther được lấy cảm hứng từ trang phục của Superman, hơi sáng chói bởi được làm từ vibranium và có một số hoa văn hình tam giác (hình dáng của châu Phi). Carter nói cô muốn Black Panther trông từ xa như một người hùng, nhưng nhìn gần phải tạo cảm giác là một vị vua của lục địa đen.
Từ bỏ lối đánh đấm chân thực trong phim quyền ảnh Creed, đạo diễn Ryan Coogler sử dụng phong cách chiến đấu hoa mỹ với sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, đây lại là điểm trừ của tác phẩm với một số pha hành động được thiết kế và quay khá rối mắt, nhất là cảnh trong sòng bài. Ở trận chiến cao trào, chất lượng CGI (công nghệ đồ họa vi tính) chưa tốt, khiến cử động của hai đối thủ giống như nhân vật hoạt hình. Trong Captain America: Civil War do anh em nhà Russo đạo diễn, Black Panther có nhiều pha bay nhảy và ra đòn ấn tượng hơn.
Sources: Vnexpress |