Ngày Đăng: 12 Tháng 02 Năm 2018 Phim Tết 2018 do người đẹp và Jun Phạm đóng chính có thông điệp và chất hài ổn nhưng vài tình huống rời rạc.
Ngô Thanh Vân quay lại đường đua phim Tết sau ba năm kể từ Ngày nảy ngày nay (2015) trong vai trò sản xuất. Ghế đạo diễn được trao cho Nguyễn Hoàng Anh - nhà làm phim trẻ từng thực hiện loạt phim truyền hình Cô Thắm về làng. Nữ diễn viên và học trò Jun Phạm đóng vai chính - chị em Đậu Xanh và Đậu Đỏ. Phim còn quy tụ dàn diễn viên Hải Triều, Ngọc Tưởng, Puka, Tiko Tiến Công, Will, Xuân Lan...
Đậu Xanh là nữ tài xế xe đò có kiểu lái bạt mạng khiến hành khách sợ hãi, còn Đậu Đỏ là chàng lơ xe dẻo miệng, khôn lanh. Bị các chủ bến xe từ chối thuê, hai chị em lâm vào cảnh thất nghiệp khi ngày Tết gần kề. Họ bất ngờ được một người đàn ông (Trung Dân đóng) bao trọn gói để chở ông cùng chiếc hộp gia bảo về quê ở miền Tây. Dù vị khách nam đã thuê cả xe, hai chị em vẫn đón khách dọc đường để kiếm thêm tiền. Chuyến xe trở nên phức tạp với đủ mọi hạng người, trong đó có những kẻ khả nghi dòm ngó chiếc hộp của ông khách.
Về quê ăn Tết thuộc thể loại phim hành trình (nhiều người cùng tham gia một chuyến đi), lấy chất hài làm chủ đạo. Biên kịch dễ cài cắm các tình huống gây cười mỗi khi có người lên hay xuống xe. Các hành khách này được xây dựng theo lối cường điệu, nhấn mạnh vào tạo hình hoặc tính cách kỳ dị. Ngoài ra, phim có trích đoạn hào hứng khi Jun Phạm và Will (thủ vai chàng trai bán bánh) đối thoại bằng giọng nói giống trong phim võ hiệp được thuyết minh trước đây.
| "Về quê ăn Tết" mang đậm không khí xuân. |
Trong bốn phim Việt chiếu Tết năm nay, tác phẩm có Ngô Thanh Vân có nội dung liên quan đến mùa Tết rõ nhất. Bên cạnh chất hài, phim cài cắm thông điệp về tình cảm gia đình, nỗi lòng của những người xa quê mưu sinh cũng như sự cô đơn của người già. Dù tham gia các tình huống kỳ quặc để gây cười, những người trên chuyến xe đều có trăn trở rất đời thường về ngày Tết. Khán giả dễ tìm thấy các khoảnh khắc lắng đọng khi Đậu Xanh trải lòng về sự ruồng bỏ của cha mẹ, hay khi vị khách nam nói về những đứa con ngày càng xa cách ông. Các cảnh tình cảm gia đình trong phim khá vừa phải, không quá bi lụy hoặc khuôn thức.
Tuy nhiên, Về quê ăn Tết không mạnh về cấu trúc tổng thể. Câu chuyện về chiếc hộp gia bảo - trung tâm của chuyến đi - được phát triển chưa rõ nét. Ở nửa cuối phim, một tình tiết được đan cài để tạo bước ngoặt, nhưng cách giải quyết còn đơn giản, không tạo thành điểm nhấn cho tác phẩm. Nhiều nhân vật phụ dàn trải khiến đường dây chính bị lỏng, kết cấu tình huống có phần rời rạc. Phần thoại của phim khá nhiều để tạo ra không khí vui nhộn, nhưng dễ làm nản lòng những khán giả không thích kiểu hài nhốn nháo, "tranh nhau nói" này.
| Nghệ sĩ Trung Dân và Ngô Thanh Vân trong một cảnh quay. |
Trong dàn diễn viên, Jun Phạm bộc lộ khiếu hài duyên giống trong 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy và Cô gái đến từ hôm qua. Chàng trai trẻ diễn tả được sự lém lỉnh, dễ thương của nhân vật, tương phản với sự mạnh mẽ, đốp chát của Ngô Thanh Vân.
Nữ diễn viên để tóc ngắn, diện trang phục bụi bặm, hóa thân tài xế liều mạng và có nỗi niềm riêng về giới tính. Ngô Thanh Vân diễn các cảnh tâm lý tốt hơn cảnh hài, vốn chưa bao giờ là thế mạnh của cô. Trong khi đó, nghệ sĩ Trung Dân thể hiện sự điềm tĩnh, trải đời trong vai vị khách lớn tuổi. Trên chuyến xe bão táp, nhân vật của ông là người trầm lặng, ít di chuyển nhất, nhưng lại có nhiều cảnh và câu thoại đáng nhớ.
| "Về quê ăn Tết" là vai chính đầu tiên của Jun Phạm (phải) trên màn ảnh rộng. |
Với đặc tính của phim hành trình, Về quê ăn Tết có nhiều cảnh xe chạy trên đường, cũng như các đại cảnh phô diễn khung cảnh miền Tây. Kịch bản cài cắm một số trích đoạn mang hơi hướng hành động khi chiếc xe lạng lách, chạy với tốc độ cao. Tuy nhiên, chất lượng những cảnh này chỉ ở mức trung bình với kỹ xảo và lối quay đơn giản. Đây vốn là điều khó tránh với một tác phẩm Việt Nam có kinh phí thấp - như chính Ngô Thanh Vân chia sẻ trong buổi ra mắt phim ngày 9/2.
Phim khởi chiếu từ ngày 16/2 (mùng Một Tết).
Sources: Vnexpress |