Ngày Đăng: 05 Tháng 02 Năm 2018 Tác phẩm của Guillermo del Toro khai thác mối tình dị biệt giữa cô gái và thủy quái theo hướng lãng mạn và tràn ngập khát khao thể xác.
Đầu thập niên 1960, Elisa (Sally Hawkins đóng) là cô gái lao công câm làm ở phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ. Hàng ngày, cô dọn dẹp ở căn cứ bí mật, sau đó trở về căn hộ nằm trên một rạp phim. Một ngày nọ, các nhân viên đưa về một thủy quái hung tợn từ Nam Mỹ. Elisa tò mò tìm đến và bắt đầu giao tiếp với sinh vật, rồi cả hai nảy sinh tình cảm kỳ lạ. Chuyện tình dị biệt này gặp nhiều trắc trở, nhất là từ gã đại tá tàn nhẫn Richard Strickland (Michael Shannon đóng).
Del Toro cho biết xây dựng tác phẩm từ phim quái vật Creature from the Black Lagoon (1954), nhưng đặt góc nhìn từ phía thủy quái chứ không phải những người săn đuổi. Tác phẩm bắt đầu với cú máy hơn hai phút dưới nước, máy quay dần tiến vào căn phòng ngập nước có màu xanh huyền ảo, lia qua đồ vật rồi đến cô gái đang lơ lửng, sau đó chuyển về cảnh đời thực. Kết hợp với lời dẫn chuyện gọi hai nhân vật chính là "công chúa" và "hoàng tử", trích đoạn giống một giấc mơ mang màu sắc cổ tích.
Tuy nhiên, những khán giả trông chờ một câu chuyện đẹp đẽ, thơ mộng kiểu Beauty and the Beast dễ bối rối với hai phút tiếp theo. Vai chính lộ diện là cô gái câm có phần kém sắc, làm một số việc rồi khỏa thân thủ dâm trong bồn tắm. Năm phút đầu phim phản ánh tinh thần của tác phẩm - một câu chuyện cổ tích nhưng tràn đầy dục tính và gai góc.
Del Toro mượn lớp vỏ cổ tích làm phông nền, nhưng cách kể của ông đi ngược các câu chuyện quen thuộc. Nhân vật nữ của phim không hề xinh đẹp, còn thủy quái từ đầu đến cuối là một sinh vật ghê rợn chứ không có hoàng tử điển trai nào nấp bóng. Cả hai đều xấu theo tiêu chuẩn đánh giá của xã hội loài người và suốt phim cũng không hề tìm cách hòa nhập vào cộng đồng đó. Chuyện phim tương phản các tác phẩm như The Little Mermaid hay Beauty and the Beast - đều mô tả sinh vật kỳ dị nỗ lực vươn tới chuẩn mực của con người và đau buồn khi không đạt được chúng (nàng tiên cá muốn có đôi chân, còn quái vật sống khép kín bởi vẻ ngoài).
| Elisa gặp và có tình cảm với thủy quái. |
Đặt tên phim là The Shape of Water (Dáng hình của nước), đạo diễn sử dụng nước như chủ đề trung tâm - biểu tượng cho sự tự do. Ý tưởng của nhà làm phim thể hiện qua hai cảnh tình dục trong phim. Ở cảnh Elisa tự thỏa mãn đầu phim, không gian bó hẹp trong bồn tắm. Cô đồng thời đặt một đồng hồ để canh giờ luộc trứng. Sự thỏa mãn tính dục của nhân vật giống như một công việc thường nhật, không có yếu tố tình cảm và diễn ra trong sự hối thúc.
Ngược lại, ở cảnh cao trào khi Elisa âu yếm thủy quái, nước tuôn tràn khắp nơi, biến căn phòng thành bể chứa khổng lồ. Hiệu ứng quay chậm (slow-motion) khiến thời gian như ngưng đọng. Nhân vật đạt được sự giải phóng tối đa về tình dục, thoát khỏi thế giới thông thường cả về mặt vật lý và tâm lý. Đây là cảnh quay vừa lãng mạn vừa tràn đầy khát khao thể xác. Từ cô gái câm với cuộc sống nhàm chán ban đầu, Elisa đã tìm được tự do và tình cảm gắn kết với sinh vật nhìn thấy sự đẹp đẽ của cô.
Như đa phần tác phẩm của Del Toro, yếu tố tôn giáo được cài cắm ở nhiều cảnh. Đầu phim, máy quay lia đến rạp phim, màn ảnh đang trình chiếu tác phẩm The Story of Ruth (1960). Phim này dựa trên một truyền thuyết trong Kinh Thánh, kể về một người phụ nữ chấp nhận Chúa.
Ngoài ẩn dụ cho sự tự do, nước còn là biểu tượng cho sự vĩnh hằng và thanh tẩy trong đạo Thiên Chúa, giúp Elisa được gột rửa khỏi thế giới coi thường cô. Nhân vật phản diện - đại tá Strickland - thường xuyên trích dẫn Kinh Thánh, nhất là câu chuyện về người hùng Samson. Sự ngược đời nằm ở chỗ, dù thường xuyên nhắc đến Chúa, hắn lại là người tàn nhẫn và không hiểu gì về các "phép màu" xung quanh mình.
| Michael Shannon trong vai phản diện. |
Strickland kiêu ngạo và đòi hỏi những kẻ cấp thấp hơn khuất phục hắn vô điều kiện. Tuy nhiên, chính hắn lại khó khịu khi bị cấp trên ép buộc. Viên đại tá đại diện cho một xã hội khắc nghiệt, mang nhiều áp bức và lý tính. Trong khi đó, những người đối chọi với hắn đều chiến đấu cho tự do và cái tôi cá nhân. Nhóm này bao gồm những người hỗ trợ Elisa - cô lao công da màu tên Zelda (Octavia Spencer đóng), người đàn ông đồng tính tên Giles (Richard Jenkins đóng) và điệp viên Nga (Michael Stuhlbarg đóng). Elisa và Giles tranh đấu cho tình yêu nằm ngoài chuẩn mực xã hội, Zelda cứng cỏi, phản ánh nữ quyền và chống phân biệt chủng tộc. Còn điệp viên Nga thể hiện ý chí tự do khi có quyết định dựa trên đạo đức, phá vỡ nguyên tắc của tổ chức.
Thông điệp chính trị của phim khá đơn giản khi đặt viên đại tá người Mỹ vào thế đối đầu với nhóm còn lại, phản ánh sự phân biệt đối xử với người yếu thế trong xã hội. Phim cũng đưa cái nhìn thân thiện hơn với người Nga - vốn là đối thủ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và thường bị tô vẽ như những kẻ ác độc trong các phim Hollywood thập niên 1960 - 1970.
Các yếu tố kỹ thuật của phim đều đạt chất lượng cao, thể hiện qua 13 đề cử Oscar - cao nhất trong mùa giải này.
Lối vận động của máy quay dập dìu như đang trôi trong nước, bảng màu ngả xanh lá, hầu hết cảnh đều được mở đầu bằng chuyển động nhân vật, giống như sự vận động không ngừng của nước. Phần nhạc nền của Alexandre Desplat cũng được đánh giá cao. Tất cả hòa hợp dưới sự chỉ đạo của Del Toro - người chăm chút từng khung hình và tạo ra một phong cách thống nhất, thể hiện rõ chủ đề về nước. Trong đó, cảnh quay cuối phim đẹp và giàu chất trữ tình nhất.
Trong dàn diễn viên, Sally Hawkins và Doug Jones (người đóng vai thủy quái, được hỗ trợ bởi hóa trang và kỹ xảo) đảm nhận phần việc khó nhất. Họ đều diễn mà không dùng lời nói, Hawkins truyền tải cảm xúc qua ánh mắt và cử động tay, còn Jones chuyển động tay và đôi khi cả cơ thể. Ở những trích đoạn hai nhân vật giao tiếp, khán giả vẫn cảm nhận được sự gắn kết mà không cần đến ngôn từ.
| Cảnh khiêu vũ trong phim. |
The Shape of Water phát huy thế mạnh của Del Toro trong việc kể chuyện qua hình ảnh và ẩn dụ. Tuy nhiên, cách xây dựng tình tiết của phim còn vội vã khi để cô gái và thủy quái phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên mà thiếu các tình huống dẫn dắt. Tuyến truyện phản gián được đẩy mạnh ở nửa sau có phần lạc tông, đẩy tác phẩm đôi lần chệch hướng khỏi đường dây chính.
Ở khoảng hai phần ba phim, một cuộc trao đổi của hai nhân vật được chuyển hóa thành màn khiêu vũ tưởng tượng. Trích đoạn này vừa lãng mạn vừa kỳ quặc, gợi nhớ đến bài nhảy giữa người đẹp và quái vật trong Beauty and the Beast, đồng thời mang tính hoài cổ với màu đen trắng và ca khúc You’ll Never Know của Alice Faye trong phim Hello, Frisco, Hello (1943) và Four Jills in a Jeep (1944). Dù vậy, nó được cài cắm khá đột ngột trong mạch phim, không ăn khớp với tình huống trước và sau đó.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 2/2.
Sources: Vnexpress |