Ngày Đăng: 05 Tháng 10 Năm 2017 Tiền lương ít ỏi, các nghệ sĩ môn nghệ thuật truyền thống phải làm ngoài giờ để mưu sinh, nuôi dưỡng đam mê.
Nhiều năm qua, khu văn công Mai Dịch, Hà Nội là nơi sinh sống của các nghệ sĩ đam mê nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch... Sau cơn mưa chiều thu, tại dãy nhà tập thể của các diễn viên phảng phất mùi ngai ngái của cây cối trộn lẫn mùi ẩm mốc bốc lên. Trong khoảnh khắc nghỉ ngơi chờ đến suất diễn đêm, nhiều nghệ sĩ trải lòng về cuộc mưu sinh của họ.
Ở thuê trong một căn nhà rộng chừng 11 mét vuông thuộc khuôn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam, vợ chồng nghệ sĩ Trần Văn Long cho biết cuộc sống gia đình anh và hầu hết nghệ sĩ tuồng đang gặp nhiều khó khăn. Đều là diễn viên của nhà hát và gần 20 năm gắn bó với nghề, vợ chồng anh nhận lương tháng hưởng theo hệ số cơ bản của nhà nước cộng tiền bồi dưỡng mỗi đêm diễn khoảng 120.000 đồng mỗi người. Bình quân thu nhập của vợ chồng nghệ sĩ gộp lại xấp xỉ 12 triệu đồng mỗi tháng. Diễn viên cho biết tiền học tập, sinh hoạt của hai con ở trường đã hết một nửa thu nhập. Nửa còn lại dùng để chi trả cho mọi sinh hoạt của cả nhà.
| Nghệ sĩ Trần Văn Long trong căn nhà thuê. |
Nghệ sĩ Trần Long bộc bạch nhiều đêm, vợ chồng anh nằm suy nghĩ về cuộc mưu sinh của hai người sống cùng nghề. Không ít lần, anh nghĩ đến việc xin chuyển cho con từ lớp chọn sang lớp thường để giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Nhắc đến sự thông minh và thành tích học tập của cô con gái lớn, giọng anh lạc đi, mắt đượm buồn. Anh nói: “Đời là vậy, biết thay đổi làm sao được. Tôi vẫn phải cố vì tương lai của con".
Không chỉ nghệ sĩ Trần Long mà các nghệ sĩ sống bằng nghề truyền thống đều phải làm thêm nghề tay trái. Khi không diễn xuất, Trần Long làm MC đám cưới, đánh trống, múa lân để kiếm đồng ra đồng vào. Một tiếng rưỡi hát đám cưới, anh kiếm được 800.000 đồng. Theo diễn viên, để kiếm được số tiền tương đương từ sân khấu tuồng, anh phải mất hai mươi ngày (tức 40 nghìn đồng mỗi buổi). Nghệ sĩ tâm sự một số diễn viên thuộc thế hệ trước của Nhà hát hiện nay còn phải làm thêm cả nghề xe ôm để nuôi thân bám sân khấu.
Cùng sống trong khu tập thể, bên cạnh gia đình anh Long là tổ ấm nhỏ của diễn viên trẻ Nguyễn Bảo Hường. Theo lịch cố định của Nhà hát, vợ chồng chị diễn ba buổi mỗi tuần tại phố cổ, rạp Hồng Hà và Nhà hát Lớn Hà Nội. Chị cho biết thấy may mắn khi được ban lãnh đạo Nhà hát Tuồng tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở. Vợ chồng chị thuê căn hộ nhỏ của Nhà hát với giá 200.000 đồng mỗi tháng. Với mức lương cơ bản 3,5 triệu đồng, phụ cấp khoảng 160.000 đồng sau mỗi đêm diễn, chị cho biết số tiền thu nhập không dư ra là bao khi vợ chồng sinh con.
Con của diễn viên Bảo Hường năm nay 5 tuổi. Chị kể: “Diễn viên trẻ như tôi hay phải diễn đêm, vợ chồng tôi mang cả bé theo. Có hôm, bé theo bố mẹ ra ngoài từ 15h chiều đến 23h đêm. Những chuyến đi xa nhà với bé nay đã thành quen”. Đôi lần, chị hài hước quay sang hỏi con: "Tối nay con có ra ngoài rạp cùng bố mẹ không?". Bé trả lời: “Con chán lắm rồi”.
| Diễn viên trẻ Nguyễn Bảo Hường trên sân khấu tuồng. |
Là gương mặt quen thuộc với khán giả trong những bộ phim truyền hình, nhưng ít ai biết diễn viên Danh Thái - "A Lý" của Người phán xử - xuất thân là diễn viên tuồng. Gia đình bốn người của Danh Thái hiện sống trong căn nhà nhỏ 29 mét vuông, sát Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nghệ sĩ chia sẻ đoàn của anh thường đi diễn tại rạp Hồng Hà, số lượng khán giả ít nên tiền thu vé cũng không đủ chi cho diễn viên. Theo nghệ sĩ, với thu nhập đó, anh khó lo đủ sinh hoạt phí cho cả gia đình. Anh nhận đóng nhiều phim truyền hình hoặc kinh doanh để kiếm thêm.
So với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - nhận định là thể loại bác học và kén người xem. Song song với sự mai một của nghệ thuật tuồng là cuộc sống bấp bênh của người nghệ sĩ.
NSND Tiến Thọ cho biết hiện nay, mức thu nhập của diễn viên có phần cải thiện hơn trước nhưng tình hình chung vẫn còn khá bấp bênh. Lương nghệ sĩ mới ra trường hiện nay là 2 triệu đồng. Nhà nước đã có hỗ trợ tiền thanh sắc nhưng chưa đảm bảo cho cuộc sống sinh nhai của diễn viên. Họ muốn có thêm thu nhập thì phải phụ thuộc vào các đêm biểu diễn, phụ thuộc vào lượng khán giả hoặc kiếm việc "tay trái" làm thêm.
Trong khi đó, sân khấu tuồng đìu hiu giữa lòng thủ đô. Đêm diễn gần nhất của đoàn nghệ sĩ nhà hát chỉ vỏn vẹn năm khán giả, trong đó có ba khách quốc tế. Với người nghệ sĩ, những đêm ấy khiến họ chạnh lòng, buồn bã và lo âu về tương lai không còn khán giả của nghệ thuật tuồng.
Quạnh hiu là vậy nhưng Trần Long, Bảo Hường, Danh Thái hay nhiều nghệ sĩ khác vẫn tâm huyết theo nghề. Theo Trần Long, dù công việc đi hát, làm MC cho những đám cưới có mức thu nhập rất cao, anh quyết không bỏ tuồng vì đam mê. Với Bảo Hường, niềm hân hoan vẫn hiện hữu trên đôi mắt khi chị kể về tấm huy chương vàng vừa giành được tại Hội diễn nghệ sĩ trẻ tài năng ở Thanh Hóa. Nữ nghệ sĩ phấn khởi tiết lộ năm tới, chị cùng đoàn diễn viên Nhà hát sẽ có chuyến lưu diễn tại Canada và Singapore.
Có được một ngôi nhà khang trang là ước mơ của nhiều nghệ sĩ đang sinh sống trong khu tập thể của Nhà hát Tuồng Việt nam. Các diễn viên mong muốn nhà nước có định hướng phát triển nghệ thuật truyền thống và đảm bảo cuộc sống cho người nghệ sĩ. Theo NSND Hương Thơm - phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, muốn nghệ thuật dân tộc phục hưng và phát triển đậm đà bản sắc, chất lượng người làm nghề phải được nâng cao. Nhưng đồng thời chị cũng như nhiều đồng nghiệp đều hiểu rằng: "Có thực mới vực được đạo, người ta chưa ăn no thì làm sao có thể làm được nghề".
Cuối chiều, chiếc xe chở đoàn diễn viên nhà hát đến điểm diễn chuẩn bị lăn bánh. Nghệ sĩ Trần Long cho biết anh và đồng nghiệp sắp sửa có chương trình tại rạp Hồng Hà. Gác lại câu chuyện nghề và chuyện đời còn nhiều trăn trở, người nghệ sĩ lại tất bật cùng áo xống, đạo cụ ra xe để kịp giờ diễn. Họ như quên đi gánh nặng cơm áo hàng ngày và chỉ còn tiếng nói cười rôm rả chờ giờ lên sân khấu.
Trọng Trường
Sources: Vnexpress |