Ngày Đăng: 02 Tháng 04 Năm 2017 Câu chuyện về người cha làm mọi điều để hiện thực hóa giấc mơ của con trai mắc bệnh hiểm nghèo hiện lên qua những thước phim đẹp và buồn.
Sau 10 năm thai nghén, Cha cõng con ra mắt khán giả Việt cuối tháng 3. Bộ phim được đạo diễn Lương Đình Dũng chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của anh viết năm 1995.
Cha cõng con kể về cuộc sống của cậu bé tên Cá sống cùng người cha bên bờ sông. Cá luôn mơ về thành phố tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể của một người đàn ông mù. Cậu mơ ước khi lớn lên sẽ được đến nơi mà anh mù từng ở, được chạm vào những đám mây trên "tòa nhà của tương lai". Đến một ngày, cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo. Cha của cậu quyết định cõng con đi hiện thực hóa ước mơ trước khi mọi chuyện quá muộn.
Nội dung và cách mở đầu tác phẩm dễ làm người xem liên tưởng đến một bộ phim truyền hình pha chút tài liệu. Âm thanh tự nhiên được đề cao tối đa. Nhờ vậy, người xem cảm nhận được sự gần gũi và trực tiếp nhất có thể. Khán giả được tiếp cận cuộc sống của những người dân miền sơn cước. Mỗi mùa nước lên, họ phải di chuyển lên cao để tránh lũ. Những cảnh quay nước ngập tận nóc, đàn chim bay những khe núi hay nếp sinh hoạt "chia mâm đàn bà, đàn ông" khi ăn uống của dân vùng quê đều được tái hiện chân thực. Các góc quay flycam giúp cho thiên nhiên ở Hà Giang hay tòa nhà cao chọc trời ở TP HCM - không gian mơ ước của cậu bé - càng trở nên hùng vĩ và nên thơ.
Lương Đình Dũng tâm sự để có những thước phim thực tế đến vậy, anh và đoàn phim chọn đúng mùa bão ở miền Bắc để ghi hình. Đổi lại những ngày leo lên đỉnh đồi, vượt qua những con suối chảy xiết với mực nước thất thường, êkíp có được sản phẩm gây ấn tượng cho người xem về mặt hình ảnh.
| Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của miền sơn cước trong phim "Cha cõng con". |
Ngô Thế Quân - diễn viên từng đóng phim Thời xa vắng - hóa thân thành người cha chất phác làm nghề chài lưới. Giọng nói đặc sệt chất "quê" cùng dáng hình lầm lũi của nhân vật do anh thể hiện dễ tạo cảm xúc cho người xem. Cảnh người cha quy đổi tiền chữa bệnh cho con thành cá gây tiếng cười nhưng mang nỗi chua xót, trở thành điểm nhấn ấn tượng nhất bộ phim.
Nét ngây thơ, hồn nhiên của dàn diễn viên nhí, trong đó có nhiều bé được tuyển chọn từ làng trẻ SOS khắp cả nước và hai bệnh nhi ung thư máu, giúp cho câu chuyện dễ đi vào lòng khán giả. Sự tham gia của NSƯT Trần Hạnh trong vai người ông vớt vát mạng sống cho cháu ngoại cũng tạo những rung cảm nhất định cho bộ phim.
Âm nhạc cũng là một điểm cộng cho tác phẩm. Lee Dong-jun - người làm nhạc phim Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7 - tạo nên những khoảng lặng cần có cho câu chuyện về bố con bé Cá, đặc biệt là phần mở đầu và kết thúc.
| Câu chuyện của bố con của bé Cá có nhiều phân cảnh gây xúc động. |
Thay vì triển khai phim theo hướng tạo nút thắt cho tác phẩm, êkíp của Lương Đình Dũng dung hòa mọi cao trào. Cách làm này có những ưu, nhược điểm riêng. Dù trao cho khán giả quyền tự chọn cho mình điểm kịch tính về cảm xúc, bộ phim diễn ra với nhịp chậm, đều và dễ đoán. Phim giống một khúc hát ru, đẹp nhưng dễ đưa những người xem thiếu tập trung vào giấc ngủ.
Một số cảnh quay lặp lại hoặc cốt chỉ để đặc tả thiên nhiên tươi đẹp có thể rút gọn để phim súc tích hơn. Thời gian một sự vật đi ra khỏi khung hình hơi chậm, đôi lúc tạo cảm giác sốt ruột. Trong khi đó, nếu đẩy tốc độ chuyển cảnh nhanh hơn, khán giả có thể dễ dàng tập trung vào diễn biến tâm trạng của nhân vật hơn.
Cha cõng con dựa trên truyện ngắn của Lương Đình Dũng viết cách đây 12 năm. Nếu ra mắt vào khoảng những năm 2000, không khí của bộ phim cùng sự sự tưởng tượng của nhân vật sống ở nơi heo hút mơ về một thành phố tương lai với tòa nhà chọc trời, "con chim sắt biết bay"... có lẽ sẽ hợp lý hơn.
Bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng khơi được cho người xem những nét đẹp về tình phụ tử cũng như sự cảm thông với những số phận khốn khổ trong xã hội. Tác phẩm cũng tôn vinh được cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam. Nhưng xét về mặt cảm xúc, Cha cõng con chưa đẩy người xem đến cao trào mà mới chỉ dừng ở lưng chừng, có chút gì đó chơi vơi.
Tác phẩm do Bùi Kim Quy biên kịch và Lý Thái Dũng làm giám đốc hình ảnh. Với kinh phí 18 tỷ đồng, phim dự kiến công chiếu sớm hơn nhưng năm 2013, toàn bộ bối cảnh của tác phẩm bị lũ cuốn trôi. Đến 2015, đoàn phim mới xoay sở được để hoàn thành những gì dang dở. Bộ phim được đem tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế trước khi ra mắt ở Việt Nam.
Như Ý
Sources: Vnexpress |