Ngày Đăng: 20 Tháng 08 Năm 2016 Phim giả tưởng ra rạp ngày 19/8 của Ngô Thanh Vân là số ít phim Việt gần đây tạo dư luận sôi nổi về kinh phí, nội dung và kỹ xảo.
Từ trước đến nay, với nhiều khán giả, khái niệm phim "bom tấn" thường chỉ dành cho phim ngoại và phần nhiều từ Hollywood. Phim Tấm Cám của Ngô Thanh Vân càng gần đến lúc ra rạp càng gây chú ý về nội dung, sự hấp dẫn của dàn diễn viên và nhất là độ đầu tư kỹ xảo.
18 tháng dốc sức cùng êkíp hàng trăm người, Ngô Thanh Vân mang đến phim giả tưởng được nhận xét đáng xem.
Trong nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, nhiều đạo diễn và êkíp chưa tự tin để thực hiện một phim đòi hỏi nhiều kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh, nhất là ở thể loại giả tưởng, thần thoại. Dòng phim này trong nước khá ít tác phẩm. Vài phim cổ tích, hoặc mang chất giả tưởng, fantasy như: Thạch Sanh, Ngày nảy ngày nay, Siêu nhân X... có mức độ đầu tư khác nhau, nhưng chưa thỏa mãn người xem. Điều này vô tình tạo nên quan điểm áp đặt: phim Việt khó có thể gây ấn tượng về kỹ thuật và nếu được như vậy hẳn phải có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.
Lần đầu tiên làm đạo diễn một phim giả tưởng, Ngô Thanh Vân đặt niềm tin vào êkíp trẻ người Việt Nam trong việc tạo nên một số lượng lớn hình ảnh kỹ xảo. Họ đã tận dụng lợi thế của công nghệ CGI (công nghệ đồ họa vi tính) để phim có màu sắc sáng đẹp, những cảnh hoàng cung nguy nga, lộng lẫy, trận đánh hoành tráng, những hiệu ứng phép thuật sống động.
Những hình ảnh đồ họa đan cài vào các cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ở Ninh Bình - bối cảnh chính của Tấm Cám - đã tạo cho phim màu sắc cổ tích, thần thoại đậm nét.
Ngay việc tạo hình quái vật trong phim đã chiếm nhiều thời gian, công sức của đoàn. Một tập thể trẻ suy nghĩ ngày đêm làm sao cho "nhân vật" này thuyết phục người xem từ sợi lông, hình dáng, khuôn mặt, màu da, chuyển động.
Với phim được xử lý nhiều hình ảnh 3D như thế, trên phim trường, các diễn viên phải cố gắng tập trung, tự tưởng tượng để lột tả cảm xúc, diễn xuất đồng bộ với bối cảnh, nhân vật do kỹ xảo tạo hình. Đây không phải là điều quen thuộc dành cho các diễn viên Việt Nam nói chung. Khi hoàn thành được sản phẩm điện ảnh này, đoàn phim Tấm Cám cho thấy họ đã góp phần đặt thêm những bước bồi đắp cho kỹ thuật làm phim trong nước.
Phần công nghệ đồ họa vi tính được xem là thế mạnh của phim cũng là phần bị mang ra mổ xẻ, tranh cãi nhiều nhất.
Vài hình ảnh đồ họa cảnh thiên nhiên, hay trận đánh của phim còn bị nhận xét chưa hoàn hảo về chi tiết, màu sắc, lộ ra dấu vết của kỹ thuật hơn là thật. Cảnh chiến trận, xác người nằm chết la liệt nhưng không thấy một giọt máu. Cảnh đánh "xáp lá cà" nhìn qua có vẻ hoành tráng nhưng ở góc cận lại cho thấy khá sơ sài.
| Về cuối giai đoạn quay phim, đoàn phim chỉ đủ kinh phí thuê một chú ngựa và 30 diễn viên quần chúng cho cảnh chiến trận. |
Ngô Thanh Vân thừa nhận sự bó hẹp trong kinh phí khiến cô và đoàn phải chùn tay trong việc sáng tạo cho phim. Ở trận đánh lớn cuối, trên màn ảnh, khán giả nhìn thấy hàng đoàn binh lính thì thực tế trên phim trường, nữ đạo diễn chỉ có trong tay 30 diễn viên quần chúng - chia làm hai phe đánh nhau - và một chú ngựa.
"Chúng tôi đã phải dùng đến công nghệ 3D để tạo thêm độ hoành tráng cho trận đánh. Giả sử chúng tôi có kinh phí 30 tỷ đồng chẳng hạn, có lẽ phim đã khác hơn. Phim chắc chắn còn nhiều lỗi nhưng đây là những gì tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra với số kinh phí và khoảng thời gian cho phép", Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Ngoài câu chuyện kỹ xảo, nhóm biên kịch - trong đó có diễn viên kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân - đã xây dựng nên một kịch bản nhiều cảm xúc. Phần nhạc phim được chăm chút góp phần tạo nên hiệu ứng cho nội dung. Trang phục nhân vật trong phim được đầu tư lớn.
Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích nổi tiếng, phim có những nhân vật quen thuộc như: Tấm, Cám, mụ dì ghẻ, ông Bụt, thái tử... Nhiều tình tiết trên màn ảnh được chuyển thể hoàn toàn từ truyện như: Tấm đi thử hài để trở thành hoàng hậu, Tấm bị mẹ con Cám hãm hại hết lần này đến lần khác... Kết phim cũng là một kết thúc có hậu đúng kiểu cổ tích. Tuy vậy, các tình tiết này được tháo tung, đan cài lại với các chuỗi sự kiện, nhân vật mới.
Với tham vọng muốn tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, kể cả trẻ em, phim bị nhận xét ôm đồm nhiều thể loại. Trong thời lượng 116 phút, khán giả được xem tác phẩm pha trộn đủ màu sắc: một chút ngôn tình, lãng mạn, một chút hành động, thần thoại, fantasy...
| Đạo diễn Jordan Vogt- Roberts ghé thăm Ngô Thanh Vân khi cô đang đạo diễn phim "Tấm Cám" ở Ninh Bình vào năm 2015. |
Dàn diễn viên hùng hậu từ trẻ đẹp đến gạo cội tạo nên sức hút cho phim. Ngô Thanh Vân mạnh dạn giao vai chính nàng Tấm cho người mẫu Hạ Vi và thái tử cho ca sĩ Isaac. Ngoại hình đẹp của họ góp phần làm sáng nhân vật. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, họ đã cố gắng thổi sức sống vào nhân vật.
Dù vậy, giá như Hạ Vi trau chuốt thêm nét diễn nội tâm qua ánh mắt, điệu bộ, cô có thể khắc họa được nàng Tấm sâu sắc hơn chứ không chỉ là cô Tấm trẻ con, nũng nịu.
Nhân vật thái tử là thử thách "nặng ký" với ca sĩ Isaac. Ở phim, tuyến "chuyện chưa kể" tập trung nhiều vào nhân vật này - vốn được xây dựng như kiểu mẫu anh hùng mới của màn ảnh Việt. Thái tử không chỉ có chuyện tình yêu với Tấm mà còn gánh vác trọng trách bảo vệ đất nước khỏi thù trong, giặc ngoài, chiến đấu với con người và với cả thế lực siêu nhiên, đem lại bình an cho muôn dân. Vai này đòi hỏi Isaac phải lột tả đủ màu sắc, từ lãng mạn, ngọt ngào đến đau đớn, gai góc, quyết liệt... Nam ca sĩ chưa xử lý hết những đòi hỏi cần thiết cho vai.
Các điểm nhấn thú vị ở phần diễn xuất trong phim dành cho dàn nhân vật bao quanh như: Ông Bụt của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, Thừa tướng của nghệ sĩ Hữu Châu, vai mụ dì ghẻ do Ngô Thanh Vân đảm nhận, vai bà lão của Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu và Cám của Lan Ngọc. Nhân vật Cám và dì ghẻ được xây dựng "phá cách" để tô đậm thêm bản chất mưu mô, gian ác, đố kỵ. Ông Bụt là nét chấm phá hài hước, dí dỏm khó quên của phim. Trong khi đó, Thừa tướng là vai phản diện đáng nhớ của Hữu Châu.
Sources: vnexpress |