Ngày Đăng: 05 Tháng 08 Năm 2016 Cảnh hành động trong "Furious 7", "Quantum of Solace"... chịu ảnh hưởng lối quay rung lắc, cắt dựng tình tiết dồn dập từ loạt phim về điệp viên Bourne.
The Bourne Supremacy
Các nhà phê bình đồng thuận loạt phim về điệp viên Jason Bourne đi tiên phong trong phong cách quay cảnh hành động bằng lối rung lắc máy. Cộng với lối cắt dựng nhanh vô số đúp hình dồn dập, các cảnh này cố tình tạo cảm giác chóng mặt và khiến người xem mất tập trung. Chính hiệu ứng như thế khiến khán giả cảm nhận mạnh hơn về kịch tính trong phân đoạn.
Theo nhà phê bình David Bordwell, trích đoạn đặc trưng nhất trong lối làm hành động của loạt Jason Bourne thuộc về phân cảnh đánh nhau bằng tạp chí trong tập The Bourne Supremacy. Cảnh phim này cho thấy sự hỗn loạn của các pha đánh đấm, máy quay rung rắc rồi di chuyển zig-zag từ phải qua trái. Hàng loạt cú quay cận với nhiều hình ảnh bị mờ nhòe khiến người xem có cảm giác các nhân vật đánh đấm điên cuồng ngay trước mắt mình.
Taken 2
Phân đoạn hành động cuối cùng trong Taken 2 mô tả nhân vật Bryan Mills của tài tử Liam Neeson đánh nhau với kẻ xấu bằng cách sử dụng nhiều đúp quay cận. Cảnh phim đặt trong một căn phòng rộng và cắt dựng cố ý gây nhức mắt.
Quantum of Solace
Tập phim thứ 22 về James Bond ra mắt sau một năm so với The Bourne Ultimatum. Cảnh rượt đuổi trên mái nhà trong phim có nhiều điểm tương đồng với cảnh rượt đuổi trên mái nhà trong The Bourne Ultimatum. Trích đoạn bắt đầu bằng việc Bond nhảy xuyên các tòa nhà và lộn vòng qua các cửa sổ. Sau đó Bond đối đầu với địch thủ và đánh nhau. Máy quay trong cảnh này cũng rung lắc và nhiều đúp hình được ghép song song tạo cảm giác điên cuồng.
Colombiana
Cảnh đánh tay đôi trong nhà tắm ở Colombiana quay bằng máy cầm tay và rung lắc máy khi ghi hình nhân vật đánh nhau. Cảnh hành động này cũng học hỏi loạt phim về Bourne ở việc sử dụng các đồ vật có sẵn trong phòng để chiến đấu. Nếu như Bourne có thể dùng bút bi hoặc tạp chí để hạ gục địch thủ, nhân vật đả nữ Cataleya của Zoe Saldana trong phim này dùng bàn chải đánh răng, một chiếc thắt lưng và sau đó là khăn tắm để đánh đối thủ.
Elysium
Phân đoạn kéo dài ba phút rưỡi trong tác phẩm hành động của đạo diễn Neill Blomkamp gây căng thẳng thần kinh vì sử dụng máy quay rung lắc. Cảnh phim bắt đầu bằng việc đối đầu giữa nhân vật của Sharlto Copley và Matt Damon. Cả hai đánh nhau và bay nhảy khiến người xem cảm giác muốn ói.
The Expendables 3
Mọi pha chiến đấu tay đôi trong The Expendables 3 đều sử dụng máy quay rung lắc, cắt dựng dồn dập nhiều đúp hình cận thẳng ngang mắt nhân vật với nhiều góc. Máy quay cũng dịch chuyển theo vô số hướng.
Cảnh đánh nhau trong câu lạc bộ của đả nữ Ronda Rousey là minh chứng rõ rệt cho lối đánh này. Nhiều đúp hình chỉ quay mặt của võ sĩ khiến người xem có cảm giác cô tung thẳng cú đấm vào máy quay. Các pha hành động này khiến người xem có cảm giác bị phân tán và dễ mất tập trung.
World War Z
Thông thường, các cảnh hành động dùng phương pháp rung lắc máy ghi hình cần phải có ít diễn viên tham gia để gây hiệu ứng tốt với khán giả. Tuy nhiên, cảnh xác sống tấn công máy bay trong phim kinh dị của tài tử Brad Pitt làm được điều ngược. Đạo diễn Marc Forster sử dụng máy quay rung lắc để tạo cảm giác hỗn loạn và chóng mặt khi vô số người chống trả lại zombie. Máy quay cầm tay chuyển động điên đảo và khán giả xem phim cảm nhận rõ sự mất trật tự của đám đông.
The Hunger Games
Phần đầu tiên của loạt phim Đấu trường sinh tử tận dụng thành công cách quay rung lắc máy. Màn chiến đấu ngoài trời tận dụng không gian mở. Khán giả dễ thấy sự căng thẳng và sợ hãi của các nhân vật tham gia vào cuộc đấu. Đạo diễn Gary Ross dựng đan xen đúp hình thời lượng ngắn và dài vào nhau. Lối quay này khiến khán giả cảm nhận rõ tình thế cũng như tâm trạng sợ hãi của nhân vật tham gia vào trận huyết chiến.
Furious 7
Cảnh võ sĩ Rousey mặc đầm đánh nhau với đả nữ Michelle Rodriguez trong phần bảy Fast & Furious là một trong những phân đoạn hành động được ghi lại bằng máy quay cầm tay. Đạo diễn James Wan khéo léo để hai nhân vật mặc trang phục có màu trắng và đỏ để nổi bật với nền tường khách sạn trong bối cảnh. Khi máy cầm tay rung lắc và chuyển động, các pha vồ vập và vờn nhau của hai nhân vật được khắc họa đậm nét và khán giả thấy rõ những cú đánh đấm của họ.
Batman Begins
Đạo diễn Christopher Nolan cũng dùng máy quay rung lắc trong cảnh chiến đấu tay đôi giữa Hiệp sĩ bóng đêm (Người Dơi) và kẻ ác Ducard (Liam Neeson đóng). Cảnh này được nhận xét là một trong những cảnh phim quay bằng máy cầm tay tốt nhất cho đến nay. Bởi cảnh quay đan xen nhiều đúp hình cận chiến giữa hai nhân vật vào những đúp hình cho thấy đoàn tàu đang chạy với tốc độ lớn. Điều này làm tăng cao sự hỗn loạn và kịch tính của cuộc đối đầu.
Sources: vnexpress |