Ngày Đăng: 16 Tháng 04 Năm 2014 Tác phẩm sắp được chiếu lại tại LHP Việt Nam ở Hàn Quốc lần thứ nhất được coi là một trong những bộ phim có ảnh hưởng lớn của điện ảnh nước nhà gần đây.
“Bố ơi! Hòa bình đẹp không bố?” - “Bố chưa nhìn thấy hòa bình bao giờ, nhưng chắc là đẹp lắm, đẹp như con vậy”. Trong đôi mắt ngơ ngác của trẻ thơ, “hoà bình” đã được định nghĩa giản dị như thế. Đó là câu chuyện đạo diễn Lưu Huỳnh đã kể lại cho khán giả qua Áo lụa Hà Đông - bộ phim về những người bền bỉ đợi chờ hòa bình trong chiến tranh, bom đạn.
Phim lấy bối cảnh những năm 1954, dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, miền Bắc lâm vào thời loạn lạc. Đôi vợ chồng Dần và Gù cũng theo dòng người di cư từ Bắc vào Nam để đi tìm một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng do đói khổ, lại vừa đúng lúc Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đành phải dừng chân tại Hội An. Từ đó, họ gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai...
| \"Áo lụa Hà Đông\" là bộ phim đi vào lịch sử của điện ảnh Việt Nam. |
Có thể nói Áo lụa Hà Đông không nằm ngoài môtip các bộ phim mang phong cách sử thi và cảm hứng chiến tranh khác, với những nhân vật điển hình cho cái nghèo, cái khổ và cả cái cao đẹp. Tưởng như người xem sẽ dễ phát “ngán” với những anh hùng, những tấm lòng cao khiết “giấy rách phải giữ lấy lề” như rất nhiều bộ phim trước đó. Nhưng đạo diễn Lưu Huỳnh đã khiến cho khán giả không chỉ dừng lại, xem lại nhiều lần mà còn khiến họ không thôi rơi nước mắt.
Nhân vật trung tâm của bộ phim là Dần - vốn là một người ở nhưng đã theo tiếng gọi tình yêu để trốn đi cùng Gù. Cả cuộc đời cô là những trang đẫm nước mắt giữa bối cảnh chiến tranh, loạn lạc. Ngày ngày, cô phải đi cào hến để nuôi bốn đứa con. Cuộc sống đáng lẽ cứ trôi đi bình yên như thế đến khi đứa con gái đầu lòng lớn lên, cần một chiếc áo dài để đến trường như các bạn. Dần lo ngày hai bữa cho cả gia đình 6 người còn chưa đủ, giờ lại đến tấm áo đi học cho con…
Không còn lựa chọn nào khác, cô phải nhận đi làm vú nuôi cho một ông già ốm yếu, bán chính dòng sữa của con để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Cũng như không còn bất kỳ nguyên tắc, danh dự hay chuẩn mực đạo đức nào ở đây nữa, đối với người mẹ lúc này, tất cả chỉ là sự hy sinh.
“Bây giờ có phải làm đĩ để nuôi chúng ăn học nên người, em cũng không tiếc gì phần em” - đó là tuyên ngôn của Dần trước những lời lăng mạ, quở trách của chồng vì hành động bán đứng danh dự ấy.
| Dần là vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc của Trương Ngọc Ánh trên màn ảnh rộng. |
Hình ảnh Dần áp ngực vào bức vách gỗ, tay giơ lên cao để từ sau bức vách ấy, một ông già hom hem, ốm yếu bú từng giọt sữa của mình là hình ảnh vừa đẹp, vừa xót xa, vừa ám ảnh suốt cả bộ phim. Trong căn phòng tối, lập lòe ánh đèn đỏ, tấm lưng trần trắng muốt của Dần với bàn tay bám cao đã trở thành một đối cực đầy tính thẩm mỹ với tất cả không gian u ám, ngột ngạt xung quanh.
Không một lời rên than, Dần cắn môi để nước mắt rơi trên nỗi tủi nhục của mình. Người xem gần như cũng nín thở với tiếng chuông ma mị, trong cái không gian bức bối, tù đọng của gia đình người Hoa ấy. Rồi cùng với Dần, nước mắt cũng cứ rơi, cứ rơi…Với lợi thế về cả ngoại hình lẫn khả năng nhập vai xuất sắc, Trương Ngọc Ánh đã hoàn toàn chinh phục và lấy đi không ít nước mắt của người yêu điện ảnh.
Cùng với Trương Ngọc Ánh, nam diễn viên Quốc Khánh cũng thể hiện một cách đột phá trong Áo lụa Hà Đông. Được ban cho một gương mặt ẩn chứa nét khắc khổ, cơ cực, Quốc Khánh dường như sinh ra để dành cho vai anh Gù mồ côi. Chỉ cần anh cau mày, nhăn mặt người ta cũng hình dung ra cảnh một người đàn ông bất lực, ngồi co chân trên chõng ôm con, dưới đất là nước dềnh lên lênh láng… Vai diễn này đã mang về cho anh một giải Cánh Diều Vàng năm 2006.
Bên cạnh đó, một trong những thành công khác của đạo diễn Lưu Huỳnh trong Áo lụa Hà Đông là việc ông đã xây dựng thành công hình ảnh biểu tượng như linh hồn của cả phim. Chiếc áo dài trắng được truyền từ người mẹ vô danh của Gù, sang Dần rồi đến các con Dần chính là tấm lụa hứng tâm hồn các thế hệ phụ nữ Việt Nam.
Chính vì ý nghĩa thiêng liêng ấy mà Dần đã mang nó bên mình trong suốt những năm tháng di cư, loạn lạc; mà người con bối rối, lo sợ khi làm vẩy mực lên; mà người chị nằm xuống lại tiếp tục truyền cho người em; mà người cha có phải lao vào lửa bỏng cũng quyết cứu lấy.
| Các diễn viên chính của \"Áo lụa Hà Đông\". |
Hình ảnh Ngô - người con thứ hai của Dần treo chiếc áo dài vào cành cây, giương cao khi ùa vào dòng người chạy về phía không có tiếng súng chính là hoá thân đẹp nhất, bất tử nhất của hình tượng “áo lụa Hà Đông” trong lòng người xem. Nó khiến ai cũng phải gạt đi nước mắt, mỉm cười và nghĩ về một “hoà bình đẹp như con ấy” sẽ đến.
Bộ phim đã đoạt 5 giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục “Phim truyện nhựa xuất sắc”, “Quay phim xuất sắc”, “Âm thanh xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Không những vậy, bộ phim còn là đại diện của điện ảnh Việt Nam tham dự đề cử giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” lần thứ 80 năm 2007.
Gần một thập kỷ trôi qua, Áo lụa Hà Đông vẫn được những người yêu điện ảnh Việt Nam nhắc đến. Có thể không phải là một bộ phim với ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện xuất sắc mà sau một độ lùi thời gian nhất định, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra giá trị của nó. Cũng có nhiều người nói về những “hạt sạn” trong phim nhưng trên hết, Áo lụa Hà Đông vẫn chạm đến trái tim khán giả bằng một tâm thức Việt Nam, mặc cảm Việt Nam và những đau thương mất mát mà cả dân tộc đã cùng nhau chia sẻ.
Sources: Vnexpress |