Ngày Đăng: 27 Tháng 09 Năm 2013 Bị ép giá cát-xê, bị hủy sô hoặc tiền bán vé không thấm tháp so với chi phí thực hiện chương trình… là thực trạng xảy ra thường xuyên ở các lần sao ngoại đến VN biểu diễn.
Năm 2007, Bi Rain của Hàn Quốc tổ chức show “Rain’s coming” ở Sân vận động Quân khu 7, TP HCM. Lúc đó, chương trình này là một sự kiện hoành tráng của làng giải trí Việt Nam.
| Sô của Bi Rain tại Việt Nam năm 2007 lỗ nặng. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Từ sau concert của Bi Rain, xu hướng mời sao nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, về Việt Nam ngày càng mạnh. Liên tục từ năm 2010 đến 2013, hàng loạt ca sĩ, nhóm nhạc ngoại được mời về nước. Phần lớn sô diễn của các ca sĩ ngoại ở Việt Nam đều nằm trong chương trình quảng bá thương hiệu toàn cầu của một sản phẩm nổi tiếng nào đó. Với khuôn khổ của hoạt động quảng bá, đơn vị tổ chức thay vì bỏ tiền quảng cáo sản phẩm, đã chịu đầu tư các sân chơi lôi cuốn giới trẻ. Họ cũng sẵn sàng phát vé mời để khán giả đến thưởng thức đêm diễn. Bỏ ra chi phí lớn, họ thu lợi bằng sự quảng bá thương hiệu.
Còn các bầu sô mời sao về Việt Nam với mục đích kinh doanh bằng các đêm diễn thường rơi vào tình trạng "thu không bằng chi".
Việc công ty tổ chức sự kiện “Kết nối ước mơ” tố “lòng tham” của chàng trai Ảrập Omar và êkíp của anh cũng cho thấy, ban tổ chức bị đối tác ép giá. Mặc dù đã có hợp đồng cát-xê với Omar về việc biểu diễn thời trang đêm 13/9 ở TP HCM, sát giờ diễn, “trai đẹp” đòi thêm 100 triệu đồng mới chịu giao lưu dưới mưa, và nếu muốn anh mặc áo dài diễn thời trang thì cũng phải trả thêm tiền. Omar không phải là một ngôi sao mà chỉ là một “hiện tượng Internet”. Anh cũng không thể hiện kỹ năng gì trước khán giả Việt mà chỉ có vài phút giao lưu ngắn ngủi vô thưởng vô phạt. Vì thế, số tiền trả cho Omar được chính ban tổ chức thừa nhận là không đáng và quá cao so với những gì anh mang đến cho người xem.
Năm 2007, sô của Bi Rain được đầu tư khoảng 2,8 triệu USD, ngược lại, tiền vé thu vào lẹt đẹt. Chương trình được quảng bá rầm rộ, nhưng khi diễn ra, ghế trống ở sân vận động rất nhiều. Giá vé ban đầu cao ngất ngưởng nhưng khi đêm diễn đến gần nửa, ban tổ chức gần như “xả dàn” để ai vào xem thì xem. Đêm nhạc Bi Rain ở Việt Nam được chính nhà tổ chức thừa nhận là lỗ khoảng một triệu USD. Sô diễn Backstreet Boys vào năm 2011 cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Dù ban tổ chức đã giảm giá vé xuống rất nhiều so với thông tin ban đầu, lượng khán giả bỏ tiền ra để thưởng thức đêm nhạc không cao như kỳ vọng.
Để tránh lỗ, nhiều chương trình đã phải hủy ngay sát ngày diễn ra. Sự cố của ca sĩ Hàn Lee Min Ho gần đây là một ví dụ rõ nét. Được quảng bá rầm rộ từ trước, nhưng bốn ngày trước show diễn (3/8), ban tổ chức đột nhiên thông báo sẽ không có sô nào diễn ra. Tiền vé được hoàn lại cho người mua trong vòng hai tháng.
Dù ban tổ chức không chính thức thừa nhận, nhiều người đều hiểu, chương trình buộc phải ngừng vì lượng vé bán ra quá ít.
Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: hợp đồng thiếu chặt chẽ, thiếu khảo sát nhu cầu thị trường hoặc điều kiện tổ chức có nhiều khó khăn.
Sự cố ép giá cát-xê của “trai đẹp” cho đến nay được xem là hy hữu, xuất phát từ sự lỏng lẻo trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài. “Làm hợp đồng chặt chẽ chưa phải là thói quen của người Việt Nam. Nhiều khi hợp đồng ký chỉ để cho có. Ở trường hợp Omar, trời mưa thì Ban tổ chức phải đảm bảo điều kiện cho anh ta xuất hiện. Còn nếu anh ta không chịu lên sân khấu là anh ta vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất là yếu tố con người. Nếu có thiện chí thì có thể du di, thương lượng với nhau. Omar không phải sao nhưng còn 'chảnh' hơn sao”, ông Nguyễn Đình Thành, giám đốc PR công ty Le Bros. bình luận.
| Ba anh em họ Lưu và Omar tại đêm \"Kết nối ước mơ\" ở TP HCM. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Bài toán kinh doanh sai còn xảy ra khi nhà tổ chức Việt Nam đánh giá chưa đúng nhu cầu của thị trường. Minh Nguyễn - nhà sản xuất âm nhạc, người đảm nhận truyền thông cho show Lee Min Ho ở Việt Nam - nhận định, nguyên nhân khiến chương trình của ca sĩ này bị hủy không phải xuất phát từ phía ca sĩ mà từ nhà tổ chức ở Việt Nam.
“Sô này sập vì con số thống kê và dự toán không sát với thực tế. Rất may là phía Hàn Quốc không kiện ban tổ chức ở Việt Nam. Chứ trong quá trình làm việc trước đó, phía Lee Min Ho tỏ ra rất chuyên nghiệp và chuẩn mực, không hề có các yêu cầu quá quắt như các ngôi sao quốc tế thường đưa ra. Thậm chí Lee Min Ho còn chuẩn bị sẵn rất nhiều món quà và những phần biểu diễn riêng biệt dành cho khán giả Việt Nam”, Minh Nguyễn chia sẻ.
Việc thiếu địa điểm đạt chuẩn để thực hiện sô lớn cho sao nước ngoài cũng là yếu tố khiến nhà tổ chức đau đầu cân bằng bài toán thu chi. TP HCM hay Hà Nội đều chưa có nhà hát đúng nghĩa phục vụ các concert hàng nghìn khán giả. Những sô diễn lớn thường ngốn chi phí thuê sân vận động, nhà thi đấu thể thao. Không chỉ vậy, ban tổ chức còn phải đáp ứng được những đòi hỏi gắt gao từ phía êkíp của sao về điều kiện âm thanh, ánh sáng, công tác hậu cần... Sô Bi Rain World Tour tại Việt Nam năm 2007 thua lỗ vì vé bán ra không đủ để bù vào chi phí thực hiện. Theo MC Anh Tuấn, nhà sản xuất, phía đối tác đòi hỏi rất cao về thiết bị. "Khi ấy, điều kiện Việt Nam chưa đáp ứng được, tôi phải nhập các thiết bị từ nước ngoài như Australia, Singapore, Hong Kong, giá thành rất cao", anh nói.
Khả năng kinh tế của bầu sô có hạn, điều kiện tổ chức chương trình chưa cao, thị trường khó nắm bắt nhu cầu... khiến cho chất lượng nghệ sĩ nước ngoài về Việt Nam còn “thượng vàng hạ cám”. Nhiều tên tuổi thực sự là sao nhưng chỉ khi qua thời đình đám như: Air Supply, Backstreet boys, Westlife… họ mới chịu đến Việt Nam. Nhiều ca sĩ khác chỉ ở hạng trung bình, thậm chí có những người hầu như chưa tạo được tên tuổi như trường hợp Omar và ba anh em diễn viên họ Lưu… Bởi với những nghệ sĩ như thế, việc thương lượng giá cát-xê chắc chắn sẽ mềm hơn là mời những tên tuổi lớn hoặc đang trong thời kỳ hoàng kim.
| Backstreet Boys đến Việt Nam khi đã qua thời hoàng kim. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Qua mỗi chương trình, giới bầu sô cho biết, họ ít nhiều rút ra những bài học trong việc tổ chức sô giải trí cho sao ngoại ở Việt Nam. Ông bầu Hoàng Tuấn - người thực hiện đêm nhạc David Archuleta ở Hà Nội và TP HCM chia sẻ, để mời sao quốc tế, nhà tổ chức phải có mối quan hệ đồng thời biết cách căn đúng thời gian nghệ sĩ đang chuẩn bị tổ chức lưu diễn vòng quanh thế giới hoặc đang trong tour giới thiệu album. Nếu chọn được thời điểm thích hợp như thế thì việc thương lượng sẽ có phần dễ hơn.
"Nên nghiên cứu kỹ khả năng của nghệ sĩ và đối tượng khán giả của họ ở Việt Nam. Các ngôi sao quốc tế yêu cầu rất cao về mặt sân khấu nên nhà tổ chức phải mạnh và chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng. Điều kiện mà David Archuleta đưa ra chủ yếu về âm thanh, ánh sáng. Có những thứ chúng tôi không thể đáp ứng và phải ra sức thuyết phục họ chấp nhận", bầu Tuấn chia sẻ.
Các nhà tổ chức cũng đồng quan điểm với nhau ở chỗ, khi làm việc với sao ngoại phải có hợp đồng cụ thể, rõ ràng đến từng chi tiết nhỏ. Nghệ sĩ quốc tế chuyên nghiệp nên không có chuyện sau khi ký hợp đồng lại đưa ra những yêu cầu, vòi vĩnh.
Chi Mai - Huy Phạm
Sources: Vnexpress |