Ngày Đăng: 06 Tháng 02 Năm 2013 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm', 'Em bé Hà Nội', 'Mối tình đầu' - ba tác phẩm bất hủ của đạo diễn Hải Ninh cũng chắp cánh cho Trà Giang, Lan Hương và Như Quỳnh thành những ngôi sao điện ảnh.
Đạo diễn, NSND Hải Ninh qua đời sáng 5/2 sau khi phải vào viện cấp cứu vì tụt huyết áp cách đây hơn 10 ngày. Dù ra đi ở cái tuổi đã "thấu mệnh trời" - 82 tuổi, tin ông mất vẫn khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng, nuối tiếc. Công chúng yêu điện ảnh lúc này ngược dòng hồi tưởng về quãng thời gian những năm 1970, khi hàng loạt tác phẩm của Hải Ninh ra đời góp phần đặt dấu mốc cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Với "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội" - những thước phim đen trắng kinh điển ghi lại dấu ấn về một thời bom rơi đạn lạc với những câu chuyện con người trong chiến tranh đầy xúc động. Trong khi đó, "Mối tình đầu" là một sự phá cách và dấn thân của đạo diễn Hải Ninh khi ông tạm thoát ra khỏi đề tài chiến tranh và đề cập đến vấn đề tình yêu khá nhạy cảm lúc bấy giờ.
Sau này, Nguyễn Hải Ninh còn cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc khác như "Đêm hội Long Trì" - bộ phim dã sử mà đến nay khó có tác phẩm nào cùng đề tài có thể vượt qua. Thế nhưng, nhắc đến Hải Ninh và dấu ấn của ông buổi đầu nền điện ảnh nước nhà vẫn là bộ ba: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội" và "Mối tình đầu".
Người có con mắt xanh của làng điện ảnh
Cũng từ đây, làng điện ảnh phát lộ những tài năng, hay nói đúng ra, nhờ "con mắt xanh" của Hải Ninh, nhiều ngôi sao đã vụt sáng trong nền điện ảnh cách mạng. Năm 1972, Nguyễn Hải Ninh làm bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Phim kể về cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Bến Hải sau hiệp định Genève 1954 trong đó có số phận của chị Dịu - người có chồng tập kết ra Bắc, còn chị ở lại bờ Nam sông Bến Hải làm bí thư chi bộ, chịu đòn roi tra tấn nhưng vẫn kiên trung cách mạng, lãnh đạo nhân dân trong vùng chống lại quân thù. Vai chị Dịu trong phim được đạo diễn Hải Ninh giao cho diễn viên Trà Giang. Sau "Chị Tư Hậu", đây là vai diễn thứ hai làm nên tên tuổi Trà Giang với giải thưởng quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Quốc tế Matxcơva năm 1973.
Không phải đến khi làm phim này, đạo diễn Hải Ninh mới phát hiện ra tài năng của Trà Giang mà từ trước đó, khi còn học chung trong trường điện ảnh, Trà Giang có vai diễn đầu tiên trong bộ phim của chính vị đạo diễn tài ba này. NSND Trà Giang nhớ lại: "Tôi gắn bó với anh Hải Ninh từ năm 16 - 17 tuổi đến nay, gần như là cả đời người rồi. Hai anh em cùng học lớp diễn viên đạo diễn đầu tiên. Bộ phim Một ngày đầu thu đầu tiên mà tôi tham gia cũng là do Hải Ninh làm phó đạo diễn và viết kịch bản, anh Huy Vân làm đạo diễn. Chính nhờ thành công ban đầu của vai diễn trong Một ngày đầu thu, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới mời tôi đóng Chị Tư Hậu". Đến "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", có thể nói, Hải Ninh đã mài cho "viên ngọc điện ảnh" Trà Giang phát lộ và sáng rõ. Đến nay, NSND Trà Giang đứng trong hàng ngũ của những ngôi sao điện ảnh cách mạng kỳ cựu mà nhắc đến tên tuổi bà, người ta không thể quên chị Dịu của "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" năm ấy.
| NSND Trà Giang. |
Nếu như Trà Giang gắn bó với đạo diễn Hải Ninh từ những ngày học trong trường điện ảnh như là số phận, thì Lan Hương của "Em bé Hà Nội" lại là một trường hợp đặc biệt cũng không nằm ngoài thứ gọi là định mệnh. NSND Lan Hương đến với điện ảnh năm 10 tuổi qua vai diễn trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn quá cố. Kỳ thực, từ năm Lan Hương lên ba, bốn tuổi, đạo diễn Hải Ninh đã phát hiện khả năng tiềm ẩn ở cô. Theo lời Lan Hương, Hải Ninh và ông bác ruột của cô là đạo diễn Lưu Xuân Thư là hai người bạn thân thiết nên thường đến nhà nhau chơi. Năm 1972 khi thực hiện "Em bé Hà Nội", đạo diễn đã nhớ ra Lan Hương và tìm đến nhà xin phép cho cô đi đóng phim. Và không ngoài dự đoán của Hải Ninh, Lan Hương đã làm xuất sắc.
Khán giả khó lòng quên hình ảnh cô bé Ngọc Hà hơn 10 tuổi, mắt mở to ngơ ngác tìm kiếm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích giữa phố phường Hà Nội xơ xác, hoang tàn sau một trận bom B52 của Mỹ năm 1972, qua những thước phim đen trắng. Từ đó, tên tuổi Lan Hương được xác lập trong làng điện ảnh và đưa bước chân chị tiến sâu trên con đường nghệ thuật. Lan Hương còn tham gia phim "Mối tình đầu" cũng của đạo diễn quá cố và nhận được nhiều lời khuyên của ông. Sau này, diễn viên Lan Hương rẽ sang con đường sân khấu nhưng vẫn tâm niệm đạo diễn Hải Ninh chính là người giúp chị thành danh. NSND Lan Hương nhớ về đạo diễn Hải Ninh như người đã trở thành định mệnh đối với chị. Chị nói: "Ông là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho tôi đi, trao cho tôi một tấm vé bước vào con đường nghệ thuật".
| NSND Lan Hương khi đóng "Em bé Hà Nội" của NSND Hải Ninh. |
Năm 1977, với "Mối tình đầu", đạo diễn Hải Ninh một lần nữa thành công khi phát hiện đúng diễn viên cho nhân vật của mình. "Mối tình đầu" kể câu chuyện tình yêu của Duy và Diễm Hương nhưng bị ngăn trở khiến họ không đến được với nhau vì Diễm Hương buộc phải lấy một tên cố vấn Mỹ để trả nợ cho bố. Duy đau khổ tới mức bỏ học rồi lao vào cuộc sống sa đọa còn Diễm Hương sau này bị chồng sát hại. Bộ phim một trong những phim ăn khách và được yêu thích nhất thập niên 70 thế kỷ 20, không chỉ làm nên tên tuổi Hải Ninh ở dòng phim tâm lý - tình cảm mà còn khẳng định tên tuổi Như Quỳnh (vai Diễm Hương).
Đây không phải là vai diễn điện ảnh đầu tiên của Như Quỳnh, trước đó bà từng tham gia ba bộ phim điện ảnh khác, trong đó vai Nết của “Đến hẹn lại lên” mang về cho Như Quỳnh giải thưởng Diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ ba (1975). Trước khi đến với phim ảnh, Như Quỳnh cũng từng có nhiều năm diễn xuất trên sân khấu. Dù ít nhiều thành công trước đó, đến "Mối tình đầu", NSND Như Quỳnh thật sự khẳng định được dấu ấn, vị trí vững chãi trong nền điện ảnh Việt Nam.
Sau đó mấy năm, đạo diễn Hải Ninh làm phim "Bãi biển đời người". Diễn viên Như Quỳnh kể nhân vật vốn được viết cho bà nhưng vì bận tham gia Liên hoan thanh niên thế giới nên bà không tham gia được. Đó cũng là điều tiếc nuối của Như Quỳnh vì mất đi một cơ hội được làm việc chung với đạo diễn Hải Ninh. Vai diễn sau đó do nữ diễn viên quá cố Phương Thanh đảm nhận.
Người tận tâm, tận tình, tài năng và nghị lực
Trong ký ức của cả ba nữ diễn viên đã thành danh từ phim của Hải Ninh, vị đạo diễn quá cố luôn là một con người sống hết mình, tình cảm và có trách nhiệm. NSND Trà Giang xúc động khi nhắc chuyện, mới cách đây mấy hôm thôi, bà nhận được thiệp mừng năm mới của đạo diễn Hải Ninh gửi tới cho mình. Khi lá thiệp đến được tay Trà Giang ở Sài Gòn, thì đạo diễn đã nằm hôn mê trên giường bệnh.
"Đã biết anh Hải Ninh bệnh nặng 2-3 năm qua và lúc nào cả gia đình cũng cố gắng chăm sóc chạy chữa cho anh, nhưng khi được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân báo tin anh qua đời chiều 5/2, tôi vẫn quá bàng hoàng. Bần thần và xúc động và thấy trong người như muốn bệnh là cảm giác lúc này của tôi. Tôi đi mua vé máy bay ngay để sáng 6/2 bay ra Hà Nội dự tang lễ của anh, tiễn anh lần cuối cùng. Cách đây khoảng một tuần, khi tôi vừa từ Anh trở về TP HCM sau chuyến thăm con gái còn nhận được thiệp chúc Tết của anh. Trong đó còn có dòng ghi: 'Anh hy vọng thiệp chúc Tết này đến em thì em đã có mặt ở Sài Gòn!'. Anh là người tình cảm như vậy đó. Nhiều năm nay, mỗi dịp Tết về anh đều tự tay viết thiệp chúc mừng gửi cho những anh em, bạn bè thân quen từng gắn bó với nhau từ ngày trước, trong đó có tôi", NSND Trà Giang ngậm ngùi kể.
Trong khi đó, NSND Lan Hương cho biết chị hay tin đạo diễn Hải Ninh qua đời khi đang thăm mộ của bố mẹ chồng. Thông tin khiến chị thẫn thờ, bởi cách đó mấy hôm, nghe đạo diễn yếu trở lại và phải nhập viện, chị đã hẹn bạn đến thăm. Thế mà chưa kịp tới thì ông đã ra đi.
Lan Hương kể có nhiều kỷ niệm khi chị tham gia các phim của đạo diễn Hải Ninh mà lúc còn sống ông vẫn hay nhắc. Đó là khi chị đóng "Em bé Hà Nội" năm mới lên 10. Trên trường quay, đạo diễn lúc nào cũng giải thích căn kẽ về nhân vật cho Lan Hương nghe. Một hôm, trong lúc ông đang giải thích thì thấy cô bé không được tập trung cho lắm. Lan Hương khi đó nghệt mặt ra rồi một lát sau vẫy tay đòi đạo diễn cho đi "tè" khiến ông không thể nhịn cười. Nữ diễn viên nhắc lại kỷ niệm với nụ cười buồn. Hay như lần đóng phim "Mối tình đầu", khi Lan Hương khoảng 13-14 tuổi. Mặc dù lúc đó nữ diễn viên lớn hơn so với nhân vật nhưng đạo diễn nhất mực bắt chị phải tham gia. Trong thời gian quay phim, ông liên tục nhắc Lan Hương phải nhịn ăn cho nhỏ bớt người.
Sau hai bộ phim, Lan Hương hỏi đạo diễn Hải Ninh con đường tiếp theo của mình. Chị nhớ ông nói, nếu có phim nào hợp thì ông sẽ gọi đi nhưng muốn thế nào cũng phải học hành đàng hoàng, bài bản chứ không chỉ dựa vào tài năng vốn có mà theo lâu dài con đường này được.
Cuộc sống dần dà khiến hai chú cháu ít có dịp gặp nhau vì người bận làm phim, người bận lên sân khấu. Lan Hương cho biết khi đạo diễn Hải Ninh còn ở nhà tại Bách Khoa, chị còn năng đến thăm được chứ từ khi đạo diễn chuyển về sống ở Gia Lâm, chị ít có thời gian gặp gỡ ông. Tuy nhiên, đạo diễn Hải Ninh lúc nào cũng là một con người tận tâm, chu đáo. Khi cưới chị, ông lọc cọc đạp xe đạp tới mừng. Khi con gái NSND Lan Hương lấy chồng, ông cũng không vắng mặt. Điều khiến chị xúc động nữa là dù không gặp nhau, đạo diễn Hải Ninh vẫn dõi theo chị từng ly từng tí. Cách đây bốn, năm tháng, khi Lan Hương sang nhà thăm đạo diễn, ông nói ông vẫn theo dõi chuyện của chị suốt một năm qua và nắm tường tận khiến chị bất ngờ.
| NSND Như Quỳnh. |
NSND Như Quỳnh lại nhớ về đạo diễn Hải Ninh như một người quyết đoán, mạnh mẽ, luôn đòi hỏi cao và nghiêm túc trong công việc. Khi quay "Mối tình đầu", Như Quỳnh nhớ, có lần quay cảnh Duy và Diễm Hương nắm tay nhau chạy dưới chân thác Đà Lạt. Dù đã có kỹ năng diễn xuất nhưng lần đầu tiên đóng cảnh yêu đương lãng mạn cũng khiến Như Quỳnh có chút ngượng ngùng và chưa thể thoát khỏi bản thân để vào vai nhân vật. Đạo diễn Hải Ninh khi đó đã hét lên gay gắt. Nữ diễn viên cho biết chính điều đó khiến bà thoát khỏi rào cản để hoàn thành tốt cảnh quay của mình.
Tuổi ngoài 80, đạo diễn Hải Ninh không còn làm phim nhưng không có nghĩa là ông ngừng làm việc. Cách đây mấy tháng, NSND Lan Hương được đạo diễn Hải Ninh chia sẻ về kịch bản mà ông vừa hoàn thành được ông viết trong hai ba năm gần đây có tên "Người mẹ Hà Nội". Bộ phim có thể là chủ đích của Hải Ninh như một sự tiếp nối "Em bé Hà Nội" - cũng kể về thời đạn bom, sự dũng cảm hào hùng của người thủ đô nhưng không đưa nhiều yếu tố chiến tranh mà chú trọng hơn tới những sắc thái tình cảm con người dù ở hai chiến tuyến trong cuộc chiến. Tiếc là ông chưa kịp chứng kiến tác phẩm của mình được dựng thành phim mà theo Lan Hương, ông từng chia sẻ ý định mời NSND Trà Giang đảm nhiệm vai bà mẹ. NSND Lan Hương mong rằng bộ phim sẽ sớm được thực hiện để là một kỷ niệm cuối cùng thật đẹp về đạo diễn Hải Ninh.
Trong khi đó, NSND Trà Giang luyến tiếc: "Những ngày cuối đời, dù đau yếu bệnh tật, anh vẫn đang cố gắng hoàn thành bản thảo cuốn sách viết về các diễn viên Việt Nam. Khi anh viết về chân dung tôi, anh và tôi đã trao đổi rất nhiều. Tôi còn gửi cho anh những ghi chép mỗi khi đi đóng phim của tôi để anh có tư liệu viết lách. Anh viết trong khi cơ thể đang đau bệnh rất nhiều. Giờ anh ra đi rồi, chắc trên bàn làm việc của anh vẫn còn xấp bản thảo dở dang mà tôi chưa biết anh hoàn thành đến đâu…".
Hoàng Anh - Dương Vân
Sources: Vnexpress |