Ngày Đăng: 13 Tháng 10 Năm 2006 "Cầm chút tiền công dán hộp mứt ít ỏi ra về, đạp xe trong cái lạnh tháng giêng, đã ngửi thấy hương thơm của nồi bánh chưng tết tràn ngập ngõ phố Hà Nội, sao cứ thấy nghèn nghẹn, xót xa một nỗi gì...", diễn viên chính trong bộ phim nổi tiếng "Chị Dậu" chia sẻ cuộc đời mình.
Trên mười đầu ngón chân yếu ớt
Tôi vào ngành nghệ thuật là do mẹ. Mẹ nghĩ đơn giản: bố mẹ làm nghệ thuật thì cũng cho con vào một ngành nghệ thuật cho tiện.
Ban đầu, mẹ ấn tôi vào tuyển nhạc. Câu hỏi đầu tiên những người tuyển sinh hỏi là thích loại nhạc cụ nào. Trong thâm tâm tôi thích đàn piano nhưng không biết có phải tên cái đàn ấy là piano hay violon, tức là tôi còn nhỏ đến mức ấy và chẳng biết gì. Ngay cả bố mẹ cũng chẳng biết kiến thức gì về âm nhạc. Thế là cứ đắn đo và không trả lời.
Mấy người tuyển bảo nhau kiểu này là bố mẹ bắt đi tuyển rồi. Và trượt. Rồi một lần, hai mẹ con đi chợ Hàng Da, qua rạp Hồng Hà thấy một tờ giấy quảng cáo Trường Múa VN tuyển sinh khóa 7. Mẹ bèn ấn tôi vào.
Nghệ thuật nào cũng được, miễn là được học cả văn hóa lẫn học nghề. Ra trường sẽ có một nghề kiếm sống. May mà những người tuyển không hỏi nhiều như lần tuyển nhạc, chỉ xem người ngợm chân tay. Thế là trúng. Đã trúng rồi thì phải đi học. Tôi khăn gói vào học nội trú trong trường múa từ đó, tuần được về nhà nghỉ một ngày chủ nhật.
| Lê Vân 15 tuổi, khi còn ở trường múa. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Ở trường múa, tất cả học sinh phải tuân thủ nội quy giống như những người máy. Thời gian học văn hóa, luyện múa, ăn, ngủ đều được quy định sít sao. Ăn cơm (tối) xong là đến kẻng học bài ôn văn hóa từ 7h đến 8h. Rồi lại kẻng đến giờ ôn chuyên môn, xách giày tập lên sàn từ 8h đến 9h, ôn lại tổ hợp, động tác của bài vừa học mà mình vẫn chưa hoàn thiện. 10h về đến phòng mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Quần áo vắt ra nước, giày vải mềm ướt sũng bốc mùi thối khắm. Giờ nghĩ lại, không thể tưởng tượng nổi làm sao mà một đứa bé mới chục tuổi đầu lại có thể theo được cái guồng sống và học tập như vậy.
Cứ thế kiệt quệ bảy năm trời. Một trong những nỗi sợ hãi kinh hoàng của tôi thời đó là nghe tiếng kẻng thể dục buổi sáng. Vì thời gian biểu được sắp xếp dậy từ 5h30 nên tôi luôn bị ngái ngủ. Trong cơn ngái ngủ ấy, tôi cứ nghĩ 7h đã phải tập ballet rồi, lên sàn vận động rồi, tại sao lại cứ bắt dậy sớm thế để tập thể dục.
Học sinh trường múa thuộc diện được Nhà nước ưu ái, xếp vào loại lao động nặng, như công nhân mỏ, nên không còn mức trợ cấp lương thực nào cao hơn mức mà chúng tôi được hưởng. Từ 11-18 tuổi đều được hưởng 21 cân gạo một tháng, làm sao ăn hết. Vậy mà thường xuyên đói. Sau này, mỗi khi nhớ lại thời gian học trong trường, lòng tôi tràn đầy uất hận. Vì sao chúng tôi đói? Tại sao họ lại để cho những đứa trẻ xa bố mẹ như thế bị đói.
Phải chăng vì người ta nghèo nên mới phải xà xẻo bớt chút khẩu phần của học sinh? Thủ kho một tý, thủ quỹ một tỹ, nhà bếp một tý. Nấu một chảo cơm, chỉ ít gạo thôi còn đâu độn ngô vàng chóe. Hôm nào may thì có mì sợi đựng trong cái nồi nhôm méo. Lại có thời kỳ ăn những cục bột mì luộc thả trong cái chảo nước sôi to đùng gọi là “tàu ngầm” không thể nào nuốt nổi. Đói đến tong teo cả người.
Những đứa trẻ xa nhà, dù đói khổ thế, đói khổ nữa, chúng tôi vẫn phải tập múa, tập kiên trì bay lượn trên mười đầu ngón chân yếu ớt vì suy dinh dưỡng của mình.
Những bông tuyết đầu mùa
Mỗi lần nhớ về mái trường xưa lại đau xót nghĩ không lẽ ngần ấy năm trời mà chẳng lưu lại một chút ấm áp chân tình nào ư? Tôi sẽ là kẻ vô ơn nếu không nhớ lại được một chút niềm hạnh phúc nào, chút ánh sáng nào từ nơi đó.
Phải, tất nhiên là có chứ, dù sao thì cũng phải có chút ánh sáng để mà sống, mà hy vọng chứ. Tôi nhớ, năm thứ tư là năm sa sút nhất của lớp tôi. Chúng tôi bị rơi vào tay một cô giáo lớn tuổi. Cô ra bài tập là những tổ hợp trì trệ không gợi chút bay bổng nào. Thậm chí không chút hào hứng nào để học.
May sao, có một lớp giáo viên vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện ở Nga về, họ là học sinh của trường được cử đi học về hướng dẫn lại cho các khóa sau. Vì lớp tôi sa sút quá nên nhà trường phân công ngay một chị về dạy. Chị Kim Dung, sinh viên xuất sắc khóa hai, được cử đi Nga đào tạo thêm. Nhóm này về thật sự mang lại một luồng gió mới, không khí học tập mới, cách truyền đạt mới, gợi hứng cho học sinh rất nhiều.
Tôi vốn sức yếu, lúc nào cũng như bị quá sức. Khi múa, tôi đã không biết tiết kiệm sức, cứ hay dùng hết tất cả sức lực của mình. Nhìn diễn viên vận dụng hết nội lực của mình để múa, người trong nghề biết ngay.
Chị Kim Dung, trong một lần tập tổ hợp, đã bảo tôi: “Vân ạ, em khô lắm. Khi diễn em phải thở chứ đừng có nín thở, cố gồng mình lên như thế. Em phải biết điều tiết nhịp thở. Chính sự điều tiết nhịp thở sẽ làm em trở nên mềm mại hơn. Em hãy thử hình dung, đôi khi bắt gặp trên phim, khi mà những bông hoa tuyết đầu mùa rơi xuống, nó bay bổng, lơ lửng, nhẹ nhàng như thế nào rồi chạm xuống mặt đất. Vậy thì khi em tiếp đất, em cũng phải tạo được cái tiếp xúc nhẹ nhàng như vậy, nhẹ như những bông tuyết đầu mùa ấy”.
Đến tận bây giờ, có lẽ chị Kim Dung vẫn không biết chị đã truyền đạt cho tôi một kinh nghiệm quý báu biết chừng nào. Tôi vô cùng biết ơn lời gợi ý này. Nó trở thành bí quyết riêng, kinh nghiệm riêng của tôi. Sau này, tôi cũng truyền lại kinh nghiệm múa cho một số diễn viên múa trẻ - những bông hoa tuyết đầu mùa...
Thôi rồi, “chị Dậu” ơi
Sau bảy năm “hành xác” trên sàn tập của trường múa, tôi được nhận thẳng về Nhà hát Nhạc vũ kịch VN và bắt đầu lại như con thiêu thân “hành xác” tiếp 11 năm trời nữa. Vì sao gọi là hành xác? Bởi ở VN múa ballet là một môn nghệ thuật quá khắc nghiệt. Múa vì phải lên lớp phải trả bài, múa vì đó là cái nghề kiếm cơm, múa đơn giản vì không biết làm nghề gì khác…, chứ đâu phải vì niềm vui sáng tạo? Các diễn viên múa ballet rất nghèo. Lương bốn chín đồng. Vừa nghèo vừa đói.
Sự thật là nhiều lúc tôi không có đủ sức để múa. Nói mà ù hết cả tai. Ai cũng biết nghệ thuật múa ballet là phải dùng đến sự dẻo dai của cơ thể, không phải diễn viên nào cũng đủ sức khỏe đáp ứng đòi hỏi đó. Cái khắc nghiệt thứ hai là không có công chúng. Khổ luyện như vậy nhưng làm gì có ai xem. Thậm chí có lần đang diễn còn nghe thấy người ta nói: “Làm gì mà múa may mãi thế, cứ nói béng ra anh yêu em đi là xong. Múa may mãi chẳng hiểu gì”.
Nghe mà thấy choáng váng. Cảm thấy như thế là hết, là sai lầm. Không ít buổi diễn nghệ sĩ trên sân khấu đông hơn khán giả. Tổng cộng cả dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng ca, các diễn viên múa… con số lên tới hàng trăm, ngó xuống khán giả chỉ nhìn thấy lèo tèo vài chục người. Tủi phận lắm.
Tết năm 1984. Cái nhà hát opera ballet “bác học” của tôi nháo nhào tìm cách lo tết cho nhân viên. Cuối cùng cũng may mắn tìm được một việc: dán hộp mứt tết. Đó là những ngày vừa chân ướt chân ráo đi Pháp về, tôi cũng nhận bìa về làm hộp cùng với Khanh và Vy.
Chúng tôi mua bột, nấu hồ làm thành “món” keo dính, bày bừa đầy ra nhà. Những tấm bìa họ cắt sẵn, chỉ việc dựng lên, quây bốn góc thành cái hộp, quết hồ lên cho dính vào nhau... Cứ thế mải mê cắm cúi làm, xong một hộp lại chồng lên cao thành những chồng hộp bày khắp xung quanh.
Chiều hôm đó, cụ Phạm Văn Khoa (đạo diễn phim Chị Dậu) đến nhà mời đi giao lưu trình chiếu bộ phim Chị Dậu. Nghe tiếng cụ, tôi dạ rõ to, nhưng đạo diễn không thể tìm thấy tôi ở đâu. Từ đó, đi đâu cụ Khoa cũng kể chuyện tôi, một diễn viên chính đang nổi trên màn ảnh, thế mà lại bị chìm lấp trong đống hộp mứt tết: “Tội nghiệp nó quá, rõ ràng đã nghe tiếng nó dạ rồi mà chỉ thấy những hộp mứt tết cao ngất ngưởng. Sang bên Pháp, bao nhiêu Việt kiều giàu có mê nó lắm, nhất định không chịu. Nào tiến sĩ nọ thạc sĩ kia, nhưng nó nhất định về VN. Sao mà nó khổ thế, bây giờ lại ngồi nhà dán hộp mứt tết”. Với tình thương của một người cha, ông thật sự xót xa, lo lắng cho tôi. Mãi sau ông mới kể chuyện lần sang Pháp đó ông định lặng lẽ mai mối cho tôi một tấm chồng nhưng không thành.
Nhận bìa về thì dễ nhưng khi chở đống hộp cồng kềnh đi trả mới bi hài làm sao. Đành phải thuê xích lô, phải bê từng chồng hộp mứt xuống đường chằng buộc vào xích lô cùng với người ta. Rồi lại phải áp tải ông xích lô đến tận xí nghiệp bánh mứt kẹo ở Hàng Bồ. Chẳng hiểu sao cứ bị ngượng chín cả người.
Lao động là vinh quang mà sao lại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã? Tôi giả vờ thong dong đạp xe, giữ khoảng cách “như một người dưng” với chồng hộp thành quả của mình mà vẫn thấy hai má nóng bừng. Bỗng đống hộp đổ tung tóe. Dây chằng đứt. Thôi rồi, “chị Dậu” ơi. Chẳng thể chạy trốn đi đâu được. Tôi ước bầu trời biến thành một màn đêm “đen như tiền đồ của chị” để chui tọt vào đó và biến mất… Nhưng biến đi đâu được khỏi cái thực tại ấy bây giờ? Phải chính mặt mình giao trả hộp thì mới nhận được tiền công…
Cầm chút tiền công ít ỏi ra về, đạp xe trong cái lạnh tháng giêng, đã ngửi thấy hương thơm của nồi bánh chưng tết tràn ngập ngõ phố Hà Nội, sao cứ thấy nghèn nghẹn, xót xa một nỗi gì...
(Theo Tuổi Trẻ)
Sources: Vnexpress |