Ngày Đăng: 07 Tháng 07 Năm 2003 "Tôi nhớ khi diễn cảnh cuối Thanh bị chết, vì nghĩ Thanh rất yêu cuộc sống mà phải rời xa những người cô yêu quý, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra mà chẳng cần phải sử dụng kỹ thuật nào. Tôi cứ khóc như vậy mỗi ngày với 3 suất diễn liên tục", người đầu tiên thể hiện thành công vai Thanh trong vở kịch này tâm sự.
- Nhân vật Thanh có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Thanh là vai diễn tôi yêu quý nhất, bởi nhân vật đó quá đẹp. Đó là một cô thanh niên xung phong khoẻ mạnh, sống hết mình vì đồng đội. Khi vào vai Thanh tôi 27 tuổi, mới sinh cháu được 3-4 tháng. Tôi còn nhớ chúng tôi tập vở rất vất vả vì kịch bản bị sửa chữa tới 13 lần. Lần này khi dựng lại vở Tôi và chúng ta, tôi nhớ nhiều đến những người bạn diễn ngày trước, nhất là Trần Vân. Hồi ấy tôi không bao giờ đứng gần anh ấy vì sẽ “lộ” ngay Trần Vân thấp hơn tôi. Nhưng anh ấy diễn quá duyên nên không ai phát hiện ra điều đó. Tôi và chúng ta đã thực sự là một “quả bom” tại hội diễn và trên sân khấu cả nước hồi ấy.
- Chị nghĩ sao khi người ta nói rất nhiều nữ nghệ sĩ từng tâm sự họ đã bị stress nặng nề ở những vai diễn có tâm lý phức tạp?
- Không có sự thành công nào mà không có sự trả giá. Đối với người nghệ sĩ, sự trả giá ấy đồng nghĩa với những giây phút vắt kiệt mình trên sân khấu. Khi vào vở Tôi và chúng ta, đêm nào tôi cũng phải chích thuốc bổ bởi vai diễn quá nặng. Còn trong vở Em đẹp dần lên trong mắt anh, tôi đảm nhận cùng một lúc 3-4 nhân vật. Mỗi lần ra cánh gà, các bạn diễn lại xúm lại quạt hộ vì tôi không thở nổi. Gần đây, đáng lý tôi sẽ tham gia vở Thay tim đổi mặt, vào vai một cô gái sống bên người chồng rất mực yêu thương, nhưng cả ngày lẫn đêm cô phải che mạng vì sợ người chồng nhìn thấy gương mặt xấu xí. Tôi biết sẽ không đủ sức lên sàn tập vì tôi đang bị bệnh, nên rút xuống kíp 2, nhường cho một diễn viên khác lên kíp 1.
- Chị nhận xét gì về kíp diễn viên trẻ đảm nhận vở “Tôi và chúng ta” vừa được tái dựng?
- Tôi nghĩ không nên so sánh. Tính thời sự của vở kịch cho đến hôm nay đã không còn những vấn đề xã hội nóng bỏng như những năm 84-85. Đương nhiên, sự đón nhận của công chúng cũng khác trước. Ngày trước có những đêm diễn tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ không đủ một bát phở. Người nghệ sĩ có phải là cây vạn niên thanh đâu! Khổ vậy, nhưng chúng tôi lại yêu nghề như tín đồ. Có lẽ trong cái khổ, niềm đam mê thường trong trẻo hơn, tinh tế hơn. Vì thế không thể áp đặt cái ngày xưa với cái ngày nay được, những vở kịch, những bộ phim có đủ sức nặng để các em phải vắt sức ra không?
(Theo Thanh Niên)
Sources: Vnexpress |