Ngày Đăng: 23 Tháng 05 Năm 2006 "Tôi chưa già nhưng cũng không còn trẻ, bỗng nhận ra mình cô đơn khi đã đi hết nửa đời người mà vẫn không biết ngày mai sẽ là một ngày vui hay buồn. Hạnh phúc là cái gì xa xôi mà tôi tìm kiếm hoài không thấy", diễn viên Thương Tín tâm sự.
Là anh cả trong gia đình có 9 anh em, các em đều nối nghiệp ba là theo nghề y, riêng tôi ngay từ nhỏ đã mê cải lương. 13 tuổi, tôi trốn nhà theo gánh hát chỉ để được vào vai lính, vai tốt. Mấy năm sau, ba tìm thấy tôi đang theo đoàn diễn tại Buôn Mê Thuột. Ông đưa tôi về Sài Gòn học Trường Quốc gia Âm nhạc nay là CĐ Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Ở đây, tôi gặp H., một cô gái dịu dàng, mối tình đầu của tôi vừa chớm nở thì tôi buộc phải rẽ sang ngả khác. Đó là năm 19 tuổi, một cô bạn cùng lớp luôn để ý tôi và quyết sẽ có được Thương Tín bằng mọi cách. Nghỉ hè, cô ấy mời tôi đi Đà Lạt chơi, tôi nhận lời, rồi chuyện gì đến đã đến.
Tôi chia tay mối tình đầu trong lặng im và chạy trốn, đến với người phụ nữ tôi chưa từng yêu. Tôi tránh mặt cô gái mối tình đầu để làm tròn trách nhiệm của một người đàn ông, lấy một người con gái mình chưa từng yêu và chưa từng có kỷ niệm. Sau bao năm khi gia đình đổ vỡ, tôi vẫn không thôi ân hận về mối tình đầu trong sáng mà mình đã trốn chạy không một lời giải thích, để lại phía sau hình ảnh ngơ ngác của cô ấy.
Ba mẹ ngỡ ngàng khi tôi đòi lấy vợ, mấy ngày trước về thăm nhà tôi còn chưa ý kiến gì, thế mà hôm sau đã đùng đùng đòi cưới vợ khi đang học năm thứ hai. Thương con, ba mẹ tôi cũng làm đủ bảy lễ theo yêu cầu của nhà vợ. Đến lễ thứ tư thì ba bỏ cuộc, lòng tự trọng ngăn bước khi cha mẹ vợ chê gia đình tôi không môn đăng hộ đối.
Chúng tôi về Sài Gòn ở với nhau mà không có đám cưới. Nói thật, ban đầu tôi không yêu cô ấy nhưng sống với nhau thì thương vì tình nghĩa. Ngày tháng dần trôi, hai con người không có tình yêu níu giữ dễ dàng đổ vỡ, đối mặt với cuộc sống gia đình nặng nề. Tôi còn nhớ, ngày ra tòa, hội đồng xét xử từ thẩm phán, hội thẩm cho đến thư ký tòa toàn là nữ. Năm ấy, tôi cũng đã nổi tiếng sau một số phim. Chủ tọa hỏi: "Anh ra tòa lần thứ mấy rồi?". Không biết câu hỏi vô tình hay cố ý nhưng tôi nhận thấy vẻ giễu cợt trong câu hỏi của cô ấy. Bực mình, tôi định bỏ về nhưng bấm bụng vì không thể kéo dài thêm nỗi đau cho cả hai, tôi trả lời: "Lần đầu nhưng không thể khác được". Sau 6 năm chung sống, tôi trở thành trắng tay, sống cảnh gà trống nuôi con.
Rồi tôi lao vào các vai diễn để quên đi mất mát. Mỗi phim quay 3-4 tháng mà một năm tôi nhận 12 phim nhựa, không có thời gian nghỉ ngơi. Thương con, tôi đem Tùng về gửi ông bà nội. Mãi đến năm con 12 tuổi, tôi mới đón cháu trở lại thành phố để cha con gần nhau. Nghỉ hè, tôi đem con theo đoàn làm phim, vào năm học tôi gửi cháu cho mấy người bà con rồi đi diễn. Đó cũng là thiệt thòi lớn nhất của cháu.
Mỗi lần tôi đi, Tùng lại nhìn theo bằng ánh mắt buồn của con trẻ mong ba sớm về. Tôi sợ nhất ánh mắt biết nói ánh lên nỗi buồn xa xăm của nó. Nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thấy áy náy vì mình có lỗi. Tôi không thể đem đến cho con tình thương của một người mẹ hiền, luôn quan tâm chăm sóc con trong mỗi bữa ăn. Tôi có thể cho con mọi thứ trừ bữa ăn gia đình ấm cúng với đầy đủ cha mẹ. Con tôi đã lớn, rồi nó cũng có một gia đình, nó sẽ thông cảm hơn với ba mình.
Trong mỗi người đều có ký ức một thời để nhớ, trong tôi là một chuỗi ngày dài cô đơn. Có ai hỏi tôi rằng: anh có thấy hạnh phúc không, tôi vẫn trả lời: "Ngày nào tôi thấy vui vui thì tôi nói là mình hạnh phúc, còn ngày nào không vui thì ngày đó buồn". Đó là cách sống đơn giản nhưng đời nghệ sĩ với trái tim rung cảm thì đâu chỉ có vậy. Tôi muốn mỗi ngày trở dậy, người đầu tiên tôi nghĩ tới là cô ấy, là một phụ nữ bên tôi, cần thiết với tôi trong từng hơi thở, từng mạch máu. Tôi cần một mái ấm gia đình và tôi muốn quên đi quá khứ buồn đau để cuộc đời mình sang một trang mới, để có thể chia sẻ mọi buồn vui với một người.
Hình như tôi không có duyên với phụ nữ, có những người yêu thương mình cả chục năm trời vẫn không đến được với nhau. Năm 1985, sau khi khởi chiếu phim Biệt động Sài Gòn, nhiều khán giả viết thư ngỏ ý thương tôi từ vai Sáu Tâm, trong số đó, có một cô học trò 16 tuổi, đang học lớp 10. Tôi viết thư trả lời và trở thành bạn của cô ấy. Tôi không ngờ đã 20 năm qua, cô ấy vẫn chưa lấy chồng dù tôi đã nhiều lần khuyên nhủ. Ba cô ấy gọi điện thoại than thở: "Nó không chịu lấy chồng, chỉ thương thằng Tín thôi".
Tôi không biết làm sao vì mình không thể khác, không thể đem lại hạnh phúc cho người mình không yêu. Đã một lần vấp ngã, tôi sợ lặp lại cảnh hai con người sống chung trong một mái nhà mà tình yêu chỉ từ một phía. Tình cảm ấy sẽ chỉ làm khổ cô ấy và những đứa con. Vì thế, đến giờ tôi vẫn trân trọng cô ấy như một khán giả dành tình cảm lớn cho mình. Có lẽ tôi là người sống với số phận nhân vật trong phim nhiều hơn ngoài đời. Trong phim, tôi được yêu và cũng yêu rất nhiều. Ngoài đời, tôi vẫn là một người không gia đình, đến giờ vẫn cô đơn.
Khán giả thường nhớ đến Thương Tín với khuôn mặt dữ dằn và cái nốt ruồi không lẫn với ai, nhưng ẩn chứa đằng sau vẻ dữ tợn ấy là một Thương Tín yếu đuối. Ai cũng mong cho chuyến đò sẽ đến bến bờ hạnh phúc nhưng giông tố giữa biển khơi đã cuốn trôi con thuyền hạnh phúc ra xa bờ, không biết đến bao giờ mới trở lại với tôi. Sau những được mất của tình yêu, từ giã thành phố ồn ào, trở về với biển, nắng và gió, tôi tìm đến bên cha để chia sẻ, người cha suốt cuộc đời luôn dõi theo từng bước đi của tôi. Và biển mặn sẽ tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho tôi như có ai đó sưởi ấm lại trái tim mình trong quãng đời còn lại.
Thương Tín
(Theo Pháp Luật TP HCM)
Sources: Vnexpress |